Forever 21 chính thức tuyên bố phá sản
(Dân trí) - Hãng thời trang Forever 21 vào ngày hôm nay 30/9 đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản để tái cơ cấu nợ.
Truyền thông quốc tế nhận định, đứng trước bối cảnh các thương hiệu thời trang ngày càng mọc lên như nấm sau mưa, Forever 21 đơn giản chỉ là hy sinh trong cuộc chiến sống còn này.
Việc hãng này phá sản là điều không đáng ngạc nhiên, bởi trước đó đã có những tin đồn về việc hãng đang nợ ngập đầu, dù dã tiến hành đàm phán tài chính với các bên “chủ nợ” nhưng tất cả đều rơi vào bế tắc.
Tin đồn Forever 21 phá sản đã được nhen nhóm trong ngành thời trang khoảng nửa tháng trước, tuy nhiên người đại diện của hãng vẫn khẳng định hãng chỉ đóng cửa một số cửa hàng và kiên quyết phủ nhận việc phá sản: “Các cửa hàng của chúng tôi vẫn mở, chúng tôi chỉ đang tiếp tục tập trung vào kinh doanh các cửa hàng tại Mỹ và muốn giảm số lượng tại các quốc gia khác”.
Theo tài liệu công bố, Forever 21 do đôi vợ chồng người Hàn Quốc thành lập tại Mỹ vào năm 1984. Sau 30 năm đã trở thành một trong những hãng thời trang hàng hiệu bình dân lớn nhất thế giới. Sản phẩm của hãng thời trang này nhắm đến những người trẻ mang phong cách đầy năng lượng và ngọt ngào.
Chỉ có điều với một tư tưởng có phần bảo thủ, hãng đã không còn nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng trên thế giới, những năm gần đây Forever 21 đã thu nhỏ quy mô kinh doanh bằng việc đóng nhiều cửa hàng bán lẻ tại một số quốc gia.
Năm 2016, Forever 21 "nói tạm biệt" với thị trường Bỉ. Hai năm sau hãng này bắt đầu đóng cửa nhiều cửa hàng bản lẻ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong năm nay hãng đã rút khỏi thị trường Trung Quốc vào tháng 5 và mới đây nhất là thị trường Nhật Bản. Năm 2017, doanh số bán hàng của hãng đã giảm mạnh 14% (khoảng 3,4 tỷ USD), khoản thua lỗ lên đến 400 triệu USD.
Tạp chí Phố Wall dẫn lời công ty tư vấn Bdousallp của Mỹ cho biết, Forever 21 nửa đầu năm nay đã đóng cửa 700 cửa hàng tại Mỹ, con số này đã vượt qua nhiều lần so với năm 2018.
Trường hợp của Forever 21 không phải là duy nhất, trước đó công ty mẹ của Topshop là Arcadia đã được thông qua đơn xin phá sản, và đóng cùng lúc 11 cửa hàng Topshop và Topman tại Mỹ.
Forever 21 cho biết, họ đã nhận được một khoản cho vay 275 triệu đô từ JPMorgan Chase và khoản vay mới 75 triệu đô từ TPG Sixth Street Partners. Trước mắt, sẽ đóng tiếp 178 của hàng có doanh thu cao. Ở thời kỳ huy hoàng của mình hãng đã có hơn 800 cửa hàng tại 57 quốc gia.
Con số báo cáo của tổ chức nghiên cứu toàn câu Coresight Research chỉ ra, cho đến nay, số cửa hàng bán lẻ tại Mỹ tuyên bố đóng cửa là 8558 và cửa hàng mới mở là 3446. Dự kiến đến cuối năm, con số đóng cửa có thể tăng lên 12000 cửa hàng.
Thanh Hải
Theo Sina