FLC lập hãng hàng không Tre Việt với số vốn 700 tỷ đồng

(Dân trí) - Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị cấp phép hoạt động hàng không là Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa hề nhận được hồ sơ liên quan.

Được biết, toàn bộ 700 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt do Tập đoàn FLC đóng góp. Doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng và sẽ vận chuyển khách tới các điểm du lịch mà FLC đang khai thác.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, đến nay Cục vẫn chưa nhận được hồ sơ hay văn bản thủ tục nào của đơn vị nói trên. Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được thông tin về việc này.

Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia
Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia

Nghị định 92/2016 về quy định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng.

Với Hàng không Tre Việt, vốn điều lệ công bố là 700 tỷ đồng, chiếu theo Nghị định 92, hãng này đủ điều kiện khai thác vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế. Quy mô vốn này cho phép hãng sử dụng và khai thác tối thiểu 10 máy bay và tôi đa là 30 máy bay.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tuy nhiên các hãng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ thì mới được cấp phép hoạt động.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm thị phần nội địa cao nhất, rồi tới Vietjet.

Mới đây, Vietstar Air được biết tới với mục tiêu trở thành hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam, hướng tới thị trường nội địa trên trục bay Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Vietstar đã trình hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách. Tuy nhiên, do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nên Chính phủ đưa ra ý kiến tạm thời chưa lập thêm hãng hàng không mới.

Hồi đầu tháng 4, Thương vụ AirAsia “bắt tay” với Hãng hàng không Hải Âu đang dần được hé lộ khi Tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia thông báo tới các cổ đông về kế hoạch liên doanh với Tập đoàn Thiên Minh (TMG) để khai thác hàng không giá rẻ ở thị trường nội địa Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí về sự liên doanh hợp tác nói trên nhằm thành lập hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định chưa nhận được hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới, phía Hải Âu cũng chưa có kiến nghị nào gửi Cục việc thay đổi giấy phép hoạt động hàng không.

Trên thực tế, Việt Nam đang mở rộng thị trường hàng không và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa, tuy nhiên trong những năm qua nhiều hãng hàng không tư nhân đã không thành công trong hoạt động kinh doanh này, một số hãng đã “chết” yểu, như: Indochina Airlines, Trãi Thiên, Air Mekong.

Châu Như Quỳnh