FLC lại bị cưỡng chế thuế gần 458 tỷ đồng

Từ tháng 8 đến nay, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế lên tới 1.331 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) thông báo đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình từ ngày 28/9.

Lý do cưỡng chế là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế lần này là hơn 457,7 tỷ đồng.

Cơ quan thuế thi hành quyết định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại Ngân hàng OCB chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1 và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Thực tế, đây không phải lần đầu doanh nghiệp này gặp rắc rối về thuế.

FLC lại bị cưỡng chế thuế gần 458 tỷ đồng - 1

FLC liên tục gặp các rắc rối về thuế (Ảnh: Mạnh Quân).

Cách đây một tháng, hôm 5/9, FLC cũng nhận được các quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị cưỡng chế khi đó là hơn 448 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 8, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.

Sau đó vài ngày, Cục Thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra 9 quyết định, gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC.

Đến ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với doanh nghiệp này.

Như vậy, từ tháng 8 đến nay, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế lên tới 1.331 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế.

Tập đoàn đa ngành này hôm qua (4/10) đã bổ nhiệm 2 gương mặt quen thuộc làm phó tổng giám đốc là ông Lê Doãn Linh và ông Nguyễn Chí Công. Việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh 3 phó tổng giám đốc rời đi, sau chưa đầy 80 ngày. Gần nhất, bà Võ Thị Thùy Dương rời FLC từ ngày 1/10, sau 5 năm gắn bó.

Cổ phiếu FLC đã đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do không công bố nhiều báo cáo theo quy định. Để cứu cổ phiếu, tập đoàn cho biết sẽ phát hành các báo cáo tài chính năm 2021 trong thời gian sớm nhất, để đủ điều kiện tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. FLC dự kiến tổ chức phiên họp thường niên vào tháng 11 và công bố báo tài chính bán niên soát xét vào tháng 12.

Theo Thảo Thu
Fica.vn