1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

FLC dùng cổ phiếu Bamboo Airways để cầm cố ngân hàng

Mai Chi

(Dân trí) - Tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways phát sinh tại OCB bao gồm 154,97 triệu cổ phiếu Bamboo Airways của FLC và quyền tài sản phát sinh từ dự án sân golf tại Quảng Bình.

Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng tài sản thuộc sở hữu của FLC để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long).  

Tài sản đảm bảo bao gồm 154,97 triệu cổ phiếu Bamboo Airways của FLC và quyền tài sản phát sinh từ dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links do FLC làm chủ đầu tư, đã triển khai đầu tư theo văn bản số 711/UBND-XDCB được UBND tỉnh Quảng Bình cấp ngày 15/5/2018.

FLC dùng cổ phiếu Bamboo Airways để cầm cố ngân hàng - 1

FLC đang sở hữu 21,7% vốn điều lệ Bamboo Airways (Ảnh minh họa: BAV).

HĐQT Tập đoàn FLC yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Trọng (Chủ tịch Bamboo Airways) và ông Doãn Hữu Đoàn (Phó chủ tịch FLC kiêm Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways) thực hiện đúng các cam kết đã gửi tới HĐQT.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện các thủ tục giải chấp để hoàn trả cho FLC các tài sản mà FLC đã sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways trong thời hạn 30 ngày kể từ khi FLC có văn bản thông báo về nhu cầu sử dụng các tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ của Bamboo Airways.

OCB Thăng Long đã nắm rõ các vấn đề liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu FLC của ông Nguyễn Ngọc Trọng và ông Doãn Hữu Đoàn và việc Tập đoàn FLC dùng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways là phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của ngân hàng.

Nghĩa vụ được bảo đảm là toàn bộ nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways đối với OCB Thăng Long bao gồm nhưng không giới hạn ở nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, các khoản phí và tất cả nghĩa vụ liên quan phát sinh từ các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cấp bảo lãnh bao gồm các phụ lục, văn bản sửa đổi, bổ sung, các khế ước nhận nợ và các văn bản liên quan của các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cấp bảo lãnh đã và đang được ký giữa hai bên.

Đại diện của FLC sẽ trao đổi thống nhất với Bamboo Airways về phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh, về việc đảm bảo các điều kiện vừa nêu trên, về quyền lợi của Tập đoàn FLC khi sử dụng tài sản thuộc sở hữu của FLC để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways.

Hồi đầu tháng này, phiên họp đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của FLC diễn ra tại tòa nhà Bamboo Airways Tower, ông Lê Bá Nguyên cho biết, trong thời gian tới FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ khoản đầu tư các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng. FLC đang làm việc với các chuyên gia tư vấn tài chính đầu ngành để đảm bảo tối đa hiệu quả, lợi ích cho tập đoàn cũng như cổ đông.

Riêng đối với cổ phiếu Bamboo Airways, FLC cũng có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần này.

"Tuy nhiên, sau khi được ĐHĐCĐ ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết", ông Nguyên nói.

Khoản đầu tư của FLC vào Bamboo Airways có giá trị 4.015 tỷ đồng, tương ứng 21,7% vốn điều lệ hãng bay.

Bamboo Airways từng có kế hoạch lên sàn UPCoM vào quý I/2022 với giá dự kiến không thấp hơn 60.000 đồng, tuy nhiên, đầu năm ngoái tại FLC lại xảy ra nhiều biến động với việc thao túng giá cổ phiếu họ FLC của nhóm ông Trịnh Văn Quyết bị vỡ lở và nhiều lãnh đạo tập đoàn này dính vào lao lý. Chính vì vậy, kế hoạch trên vẫn còn dang dở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm