1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Fed tăng lãi suất: Tỷ giá USD/VND biến động mạnh?

Tỷ giá ngoại tệ

(Dân trí) - Khi Fed cắt giảm rồi chấm dứt QE hay khi tin đồn Fed tăng lãi suất đến gần, luồng vốn chảy ra khỏi Việt Nam trong thời gian qua là gần như không có. Vì vậy, không có lý do để kỳ vọng tỷ giá đồng Việt Nam biến động mạnh như đồng Rupia Indonesia hay đồng Ringgit Malaysia.

Những động thái mạnh của Fed

Kể từ khi Ben Bernanke thay Alan Greenspan điều hành Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cơ quan này có bước chuyển mạnh về phương thức điều hành: đề cao tính minh bạch trong điều hành chính sách. Thông qua các công cụ truyền thông như họp báo, thông cáo, trả lời chất vấn và các bài nói chuyện, phát biểu trước công chúng, Fed thông báo tới thị trường tình hình và triển vọng kinh tế Hoa Kỳ, đồng thời thảo luận những biện pháp chính sách có thể được đưa ra trong tương lai gần.

Mục đích của chiến lược này là thông tin đến thị trường một cách tốt nhất và nhất quán nhất những động thái của Fed để thị trường dần điều chỉnh, tránh việc thị trường ồ ạt điều chỉnh vào một thời điểm, gây ra những cú shock và tình trạng hỗn loạn mang tính tâm lý không cần thiết nếu thị trường bất ngờ trước những chính sách của ngân hàng trung ương.

Chính sách này đã tương đối thành công trong lần cắt giảm, tiến tới chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng diễn ra từ tháng 12/2013 đến 10/2014. Từ tháng 5/2013, Chủ tịch Fed Ben Bernanke bắt đầu nhắc đến khả năng Fed sẽ cắt giảm lượng giấy tờ có giá có thời hạn dài đang được cơ quan này mua vào hàng tháng để bơm tiền ra thị trường. Động thái này đã khiến dòng vốn đến các nền kinh tế mới nổi đảo chiều, chảy ngược về Mỹ liên tục trong nửa cuối năm 2013.

Đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia lần lượt mất giá 25,1%; 12,6% và 9,1% so với đồng USD kể từ 6/2013 đến ngày 18/12/2013 (thời điểm nhóm họp Ủy ban thị trường mở của Fed) do các nhà đầu tư thoái vốn khỏi các thị trường này để đón đầu các cơ hội đầu tư tại Mỹ.

Vì vậy, đến tháng 12/2013, việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng chính thức được Fed tuyên bố đã không gây ra quá nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính Mỹ cũng như thị trường quốc tế, không xảy ra một đợt thoái vốn bất ngờ khỏi các thị trường mới nổi. Ngược lại, đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi còn tăng giá, chỉ số đô la giảm nhẹ ngay sau khi Fed có tuyên bố chính thức bắt đầu giảm QE ngày 19/12/2013.

 


Tỷ giá USD/VND sẽ biến động mạnh thời gian tới?

Tỷ giá USD/VND sẽ biến động mạnh thời gian tới?

 

Nguyên nhân của diễn biến này là hoạt động đầu cơ của giới đầu tư quốc tế. Với kỳ vọng chương trình nới lỏng định lượng sẽ bị cắt giảm, các nhà đầu cơ thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi để nắm giữ các tài sản bằng USD do kỳ vọng đồng tiền này sẽ tăng giá. Khi chính sách này thực sự diễn ra, họ sẽ bán USD để chốt lời làm tăng cung đồng USD trên thị trường quốc tế, đẩy giá các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi tăng lên. Trong diễn biến đó, thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng tại Việt Nam cũng không gánh chịu biến động đáng kể nào.

Không tác động nhiều đến Việt Nam

Theo quan điểm của người viết, khả năng Fed tăng lãi suất vào phiên họp cuối cùng của năm 2015 cũng sẽ diễn ra theo chiều hướng tương tự và sẽ không có tác động nhiều đến Việt Nam. Cơ sở để đưa ra đánh giá này là:

Thứ nhất, kể từ khi chương trình nới lỏng định lượng kết thúc, thị trường bắt đầu kỳ vọng về thời điểm Fed tăng lãi suất, và cơ quan này cũng bắt đầu định hướng về thời điểm tăng lãi suất sẽ dựa trên hai chỉ tiêu chính là lạm phát và thất nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế mà Fed sử dụng làm căn cứ điều hành chính sách là lạm phát và thất nghiệp diễn biến trái chiều nhau khiến cho thời điểm Fed tăng lãi suất trở nên không chắc chắn.

Kết quả là cứ mỗi đợt phiên họp hàng quý của Fed tới gần, đồn đoán về khả năng cơ quan này tăng lãi suất lại tăng lên khiến chỉ số đô la tăng vọt, sau khi tin đồn qua đi, chỉ số đô la lại giảm xuống đáng kể. So với đầu năm 2015, chỉ số đô la cuối tháng 11/2015 đã tăng 10,5% do thị trường liên tục điều chỉnh trước mỗi đợt tin đồn Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2015. Đồng tiền của một số nền kinh tế mới nổi cũng mất giá mạnh so với đồng USD như Ấn Độ (5%), Indonesia (11%) và Malaysia (20%).

Đây có thể coi là những mức điều chỉnh mạnh tương đương hoặc hơn thời điểm Fed tuyên bố cắt giảm QE vào cuối năm 2013, phản ánh thực tế thị trường đã tự điều chỉnh để đón đầu khả năng Fed tăng lãi suất. Vì vậy, khi quyết định tăng lãi suất thực sự diễn ra, ảnh hưởng thực sẽ không nhiều, thậm chí do tác động của việc chốt lời, đồng USD có thể giảm giá so với các đồng tiền khác.

Thứ hai, chi phí vốn huy động bằng đồng USD trên thị trường quốc tế cũng đã từng bước phản ánh tác động của việc Fed tăng lãi suất. Cụ thể lãi suất LIBOR 3 tháng đối với đồng USD đã tăng từ mức 0,25% đầu năm 2015 lên mức 0,40% trong hạ tuần tháng 11/2015. Điều đó một lần nữa cho thấy, một khi Fed quyết định tăng lãi suất thật sự, lãi suất LIBOR cũng sẽ không tăng đột biến, ít ảnh hưởng đến chi phí đi vay USD trên thị trường quốc tế của các ngân hàng cũng như chi phí tài trợ thương mại đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu của Việt Nam.

Cuối cùng, đặc thù của Việt Nam là cán cân vốn vẫn chưa hoàn toàn được tự do nên Việt Nam không đón nhận những luồng vốn rẻ đột biến do tác động của chương trình QE tại Mỹ. Vì thế, khi Fed cắt giảm rồi chấm dứt QE hay khi tin đồn Fed tăng lãi suất đến gần, luồng vốn chảy ra khỏi Việt Nam trong thời gian qua là gần như không có. Vì vậy, không có lý do để kỳ vọng tỷ giá đồng Việt Nam biến động mạnh như đồng Rupia Indonesia hay đồng Ringgit Malaysia.

Cũng cần ghi nhận chính sách tỷ giá của NHNN Việt Nam trong năm 2015 đã được điều hành một cách tương đối linh hoạt. Trong khi lạm phát của Việt Nam trong năm 2015 thấp và ổn định tương đương với lạm phát của Mỹ, có nhiều khả năng chỉ ở mức dưới 1%, NHNN vẫn điều chỉnh tỷ giá chính thức 3% và mở rộng biên độ giao dịch từ mức ±1% lên ±3%, cho phép tiền đồng mất giá hơn 5% so với đồng USD. Kết quả là tỷ giá hiệu lực đa phương danh nghĩa hiện tại đang thấp hơn đầu năm 2015 khoảng 1%. Điều đó cho thấy NHNN Việt Nam đã chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng VND mạnh hơn mức độ mất giá bình quân gia quyền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế ở mức độ hợp lý.

Đây là những chỉ dấu cho thấy có cơ sở để tin rằng tỷ giá đồng Việt Nam sẽ không chịu áp lực mất giá thêm nữa kể cả khi Fed điều chỉnh lãi suất.

Minh Duy

 

Fed tăng lãi suất: Tỷ giá USD/VND biến động mạnh? - 2