Fed giữ nguyên lãi suất, phát đi tín hiệu mới

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu đã chấm dứt quá trình nâng lãi suất, nhưng vẫn chưa sẵn sàng để giảm lãi suất. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ nhiệt lãi suất khi kinh tế Mỹ tốt hơn mong đợi.

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 31/1, Fed đã giữ nguyên lãi suất như dự đoán của thị trường.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí không tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp. Trong tuyên bố sau đó, FOMC đã loại bỏ thông điệp sẵn sàng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và trên đường quay về mức mục tiêu 2% của Fed.

"Ủy ban không dự tính sẽ hạ phạm vi mục tiêu của lãi suất cho đến khi đủ tự tin rằng lạm phát đang quay trở về mức 2% một cách bền vững", FOMC tuyên bố.

Trong cuộc họp báo, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi thêm nhiều dữ liệu kinh tế để xác định rõ xu hướng kinh tế đang diễn ra.

"Fed không trông chờ vào những dữ liệu tốt hơn, chúng tôi đang tìm kiếm sự tiếp nối của các dữ liệu tích cực mà chúng tôi thấy thời gian qua", ông nhấn mạnh.

Fed giữ nguyên lãi suất, phát đi tín hiệu mới - 1

Các lần điều chỉnh lãi suất của Fed (Ảnh: CNBC).

Trước cuộc họp này, thị trường kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Fed tỏ ra thận trọng, đồng thời cảnh báo rằng họ không cần phải hành động nhanh mà phải theo dõi sát dữ liệu sắp tới.

"Hầu như chẳng có lý do gì để tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc mạnh, nên Fed chẳng dại gì mà gây ra rủi ro lạm phát trỗi dậy bằng cách cắt giảm lãi suất quá sớm", ông Joel Naroff, Chủ tịch công ty nghiên cứu kinh tế Naroff Economics, nhận định với CNBC.

Thông thường, các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo sát với dự báo của Fed hơn là những gì mà thị trường kỳ vọng. 

Theo ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế của công ty nghiên cứu Moody's Analytics, thật khó để không lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Chuyên gia cho rằng vẫn còn đó những rủi ro suy giảm tăng trưởng, bao gồm những điểm nóng địa chính trị và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng mức độ đe dọa đối với nền kinh tế có vẻ ngày càng giảm bớt.

Theo CNBC, Reuters