FDI vào Việt Nam giảm gần một nửa trong quý I/2015

(Dân trí) - Mặc dù số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều quý I năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014 song lại không có các dự án quy mô lớn nên số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm mạnh gần một nửa.

Vốn ngoại đang trở lại với thị trường bất động sản
Vốn ngoại đang trở lại với thị trường bất động sản
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* GAS mất 4.000 đồng, VN-Index giảm mạnh

* ANZ: Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy!

* Ứng phó với thực phẩm "bẩn": Để là người tiêu dùng thông thái
* Nhiều dịch vụ hấp dẫn nhân dịp kỷ niệm thành lập Agribank

* Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, khó chọn mặt gửi vàng!

* Lý Quang Diệu và câu chuyện kết nối TTCK

Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2015, Việt Nam có tổng cộng 267 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,21 tỷ USD, bằng 59,4% so với cùng kỳ năm 2014.  Bên cạnh đó, có 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 621,12 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Tính chung trong Quý I năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt  1,837 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, con số giải ngân ở mức 3,05 tỷ USD, tăng 7% với cùng kỳ năm 2014.
 
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều quý I năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên lại không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.
 
Khối FDI vẫn đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong Quý I dự kiến đạt 25,08 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này đạt 23,09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung trong quý, các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI xuất siêu 1,98 tỷ USD.
 
Đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 115 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,4 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
 
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thấy sức “nóng” trở lại với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa có 38 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 123,36 triệu USD.
 
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong Quý I năm nay, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,05 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. BritishVirgin Islands  đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 351,59 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,36 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.
 
Trên cả nước có 28 tỉnh thành phố nhận được vốn FDI trong thời gian này, trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 540,24 triệu USD, chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 235,21 triệu USD, chiếm 12,8%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 140 triệu USD.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”