Eximbank sắp có tân Tổng Giám đốc sau 2 năm "trống ghế"

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tấn Lộc.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Eximbank. NHNN chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tấn Lộc. Eximbank có trách nhiệm bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc theo đúng quy định.

"Ngân hàng đang đợi Hội đồng quản trị ra nghị quyết mới hoàn tất quy trình bổ nhiệm. Quá trình này sẽ nhanh thôi", nguồn tin từ Eximbank nói với Dân trí.

Ông Trần Tấn Lộc sinh năm 1969, được giới thiệu là có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

Tại Eximbank, ông Lộc từng kinh qua nhiều vị trí tại các phòng ban khác nhau trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc thường trực từ năm 2007. Ông Lộc cũng từng giữ chức quyền Tổng giám đốc Eximbank từ tháng 12/2015 - 3/2016. Trước khi về công tác tại Eximbank, ông Lộc đã có 5 năm làm việc tại Vietcombank - Chi nhánh TPHCM (từ năm 1990 đến tháng 8/1994).

Eximbank sắp có tân Tổng Giám đốc sau 2 năm trống ghế - 1

Eximbank có truyền thống tổ chức đại hội đồng cổ đông... bất thành.

Từ đầu tháng 4/2019 đến nay, Eximbank vẫn khuyết vị trí Tổng giám đốc, sau khi ông Lê Văn Quyết hết hợp đồng. Người đang tạm thời phụ trách Ban Tổng giám đốc Eximbank là ông Nguyễn Cảnh Vinh.

Ông Vinh gia nhập Eximbank từ tháng 4/2018 với vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực và được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc ngân hàng này từ tháng 5/2019. Trước đây HĐQT Eximbank từng có nghị quyết bổ nhiệm ông Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, NHNN đã không phê chuẩn do nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.

Như vậy, với thông tin NHNN chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tuấn Lộc, vị trí Tổng Giám đốc của ngân hàng này sắp có chủ sau hơn 2 năm bỏ trống.

Điều lệ của Eximbank quy định người đại diện theo pháp luật của ngân hàng là Tổng Giám đốc, nên sau khi ông Quyết hết hợp đồng, ngân hàng này cũng trống luôn vị trí người đại diện theo pháp luật.

Eximbank cũng là ngân hàng "có truyền thống ồn ào" về mặt nhân sự chủ chốt. Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, ngân hàng, vấn đề hiện hữu ở Eximbank là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài.

Trong 2 năm 2019 và 2020, Eximbank nhiều lần thông báo tổ chức họp đại hội nhưng đều bất thành vì nhiều lý do. Trước đó, vào ngày 30/6/2020 và 29/7/2020, phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ nhất và 2 của Eximbank tổ chức ở TPHCM không thể thực hiện được do không đủ số cổ đông tham dự.

Sau đó, ngân hàng dự định tổ chức họp đại hội lần 3 tại Hà Nội vào ngày 17/8/2020 nhưng không thể tổ chức được do dịch Covid-19. Ngày 15/12/2020, phiên họp cổ đông thường niên 2020 của ngân hàng này vẫn chưa thể diễn ra vì lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sáng 26/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 lần thứ 3 tại Hà Nội. Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank có 44,92% tỷ lệ và có tới 54,69% tỷ lệ không đồng ý. Theo đó, phiên họp lần thứ 3 của Eximbank lại bất thành.

Đến sáng 27/4, Eximbank tiếp tục tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 nhưng vẫn bất thành.

Chia sẻ với Dân trí, ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho rằng thời gian qua, việc tổ chức họp đại hội cổ đông của Eximbank không thành công như dự kiến là do không có sự thống nhất của các nhóm cổ đông.