1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Sóng gió" tại Eximbank chưa dứt, họp đại hội cổ đông lần thứ 3 bất thành

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank có 44,92% tỷ lệ và có tới 54,69% tỷ lệ không đồng ý. Theo đó, phiên họp lần thứ 3 của Eximbank lại bất thành.

Sáng nay 26/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 lần thứ 3, do 2 cuộc họp trước trong năm 2020 bất thành vì không đủ tỷ lệ tham dự. 

Cuộc họp sáng nay của Eximbank dự kiến được tổ chức lúc 8h30. Song vì thời tiết không thuận lợi, Ban tổ chức đã thông báo cuộc họp lùi lên 9h30 cùng ngày. Thống kê lúc gần 9h cho thấy, cuộc họp sáng nay có 90 cổ đông tham dự, với 1.148.284.348 cổ phần, chiếm tỷ lệ 93,4%.

Đến 9h20, thống kê thay đổi cho thấy cuộc họp sẽ có 95 cổ đông tham dự, đại diện cho 1.161.881.837 số cổ phần, chiếm tỷ lệ 94,51%.

Đại hội đồng cổ đông của Eximbank sáng nay có sự tham gia và giám sát của đại diện Ngân hàng Nhà nước là ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra NHNN.

Ngay sau khi đại diện Eximbank công bố tỷ lệ cổ đông tham gia đại hội (97 người tham gia, số cổ phần 1.161.881.877, tỷ lệ 94,51%), một cổ đông đã đứng lên thắc mắc: "Tôi đã tham dự đại hội của Eximbank nhiều năm, mấy năm trước tỷ lệ thấp, nhưng năm nay tỷ lệ tăng cao đột biến nhưng số lượng người tham dự không đông và địa điểm tổ chức ở Hà Nội chứ không phải TP.HCM. Tôi nghi ngờ về tỷ lệ, cổ đông chúng tôi có thể kiểm tra biên bản kiểm tra danh sách tư cách cổ đông hay không?".

Ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng ban Kiểm soát - cho biết, cổ đông có thể kiểm tra biên bản kiểm tra danh sách tư cách cổ đông ngay sau khi cuộc họp kết thúc.

Dù thế, lúc 10h15, đại diện BTC cho biết hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn y thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ tới, Eximbank phải cập nhật lại danh sách phiếu bầu mới tiếp tục đại hội.

Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank có 44,92% tỷ lệ và có tới 54,69% tỷ lệ không đồng ý. Do đó, phiên họp cổ đông lần thứ 3 của Eximbank tiếp tục bất thành. 

Sóng gió tại Eximbank chưa dứt, họp đại hội cổ đông lần thứ 3 bất thành - 1

Phiên họp lần thứ 3 của Eximbank tiếp tục bất thành.

Theo điều lệ của Eximbank, cuộc họp lần 3 được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự, được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn. 

Sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 sáng 26/4, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào sáng mai 27/4. 

Trước thềm đại hội, các nhóm cổ đông lớn tiếp tục gửi văn bản kiến nghị miễn nhiệm hàng loạt các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank. 

Cụ thể, ngày 19/4, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của bà Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện theo ủy quyền của nhóm cổ đông gồm: Công ty CP Rồng Ngọc, Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios, Công ty CP Thắng Phương, Thái Thị Mỹ Sang, Lưu Như Trân.

Nhóm cổ đông này sở hữu 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. 

Ngày 20/4, HĐQT Eximbank tiếp tục nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm: ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited. Nhóm cổ đông này sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị Eximbank miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú. 

Hiện, HĐQT Eximbank gồm 9 thành viên: ông Yasuhiro Saitoh (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quang Thông (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Minh Quốc (thành viên độc lập), ông Cao Xuân Ninh (thành viên), ông Đặng Anh Mai (thành viên), ông Hoàng Tuấn Khải (thành viên), ông Ngô Thanh Tùng (thành viên), ông Lê Văn Quyết (thành viên), bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên). 

Như vậy, hiện chỉ còn mỗi ông Nguyễn Quang Thông là không bị 2 nhóm cổ đông trên đề nghị miễn nhiệm. 

Trước đó, ngày 13/4, Eximbank đã có tới 2 Nghị quyết quyết định về chức danh Chủ tịch HĐQT với nội dung miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh và bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Theo Nghị quyết số 156, HĐQT Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh.

Đồng thời, HĐQT Eximbank thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo của cuộc họp HĐQT Ngân hàng Eximbank cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh chủ tịch HĐQT mới.

HĐQT Eximbank giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo Đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021.

Nghị quyết số 156 được ban hành căn cứ theo Đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021; căn cứ theo kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên HĐQT tại cuộc họp ngày 13/4/2021 vào lúc 10h15 phút và cuộc họp lúc 10h45 phút. Nghị quyết này được ký bởi ông Nguyễn Quang Thông.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Eximbank tiếp tục có Nghị quyết 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh. Nghị quyết này được ban hành căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT vào lúc 11h10 phút ngày 13/4/2021.

Nghị quyết 157 lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Các nội dung trước đây trái với Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành.

Ông Yasuhiro Saitoh trở lại giữ ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank chưa đầy 1 tiếng sau khi được miễn nhiệm. Động thái này của Eximbank khiến dư luận xôn xao liệu đây có phải là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật trước thềm Đại hội đồng cổ đông Eximbank hay không.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 năm trước đó, "ghế nóng" của Eximbank cũng đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.