1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Eximbank lại muốn "hồi sinh" dự án trên "đất vàng" 3.500 m2 đang bỏ không

Việt Đức

(Dân trí) - HĐQT Eximbank tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án đầu tư xây dựng trụ sở của ngân hàng ở khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1 (TPHCM).

Trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp đại hội thường niên 2022 sắp tới, HĐQT Eximbank (mã chứng khoán: EIB), lại trình cổ đông thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở tại địa chỉ số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1 (TPHCM) bằng 100% nguồn vốn tự có. Nội dung này không được cổ đông ngân hàng thông qua vào đại hội bất thường tổ chức giữa tháng 2 vừa qua.

Khu đất này thuộc sở hữu của Eximbank, có giá trị cao nhưng đang để lãng phí, không phát huy hiệu quả. Lô đất có diện tích hơn 3.500 m2, từng được UBND TPHCM chấp thuận quy hoạch chức năng hỗn hợp văn phòng - khách sạn - căn hộ, cao 40 tầng vào năm 2011. Tuy nhiên, các giấy tờ pháp lý về quy hoạch hiện nay không còn giá trị hiệu lực theo quy định và Eximbank cho biết việc đầu tư tòa nhà với chức năng hỗn hợp cũng không phù hợp với giấy phép hoạt động, nhu cầu hiện tại của ngân hàng.

HĐQT Eximbank muốn tái khởi động dự án, xây dựng tòa nhà làm văn phòng của hội sở và các đơn vị thành viên. Theo HĐQT, việc này vừa giúp ngân hàng ổn định hoạt động, xây dựng hình ảnh, nâng tầm thương hiệu đồng thời tiết kiệm số tiền lớn hơn 30 tỷ đồng/năm chi cho hoạt động thuê văn phòng làm trụ sở hiện nay. 

Cũng tại họp đại hội cổ đông sắp tới, Eximbank sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm với các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn tăng nhẹ 7-8%, dư nợ tín dụng tăng 10%. Riêng về lợi nhuận, ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc hơn 100%, đạt mức lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng trong năm nay.

Eximbank lại muốn hồi sinh dự án trên đất vàng 3.500 m2 đang bỏ không - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Ngoài ra, HĐQT ngân hàng bất ngờ đưa nội dung thoái vốn tại Sacombank (mã chứng khoán STB) từ giai đoạn 2017-2018 vào nội dung trình cổ đông.

Cụ thể, từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, Eximbank đã chuyển nhượng tổng cộng 165 triệu cổ phiếu STB với giá bình quân hơn 14.000 đồng/cổ phần. Trong đó, có một lô gần 23 triệu đơn vị STB được Eximbank chuyển nhượng với giá bình quân hơn 12.700 đồng/cổ phần. 

Tổng số tiền Eximbank thu được từ vụ thoái vốn tại Sacombank là hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận thực tế so với giá vốn đầu tư ban đầu là gần 650 tỷ đồng.

Theo văn bản của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, HĐQT Eximbank phải báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB ở kỳ họp đại hội đồng cổ đông gần nhất. Trong đó, Eximbank phải báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB nếu giá bán dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cổ phiếu. 

Do đó, HĐQT Eximbank phải đưa nội dung liên quan việc chuyển nhượng cổ phiếu STB vào chương trình đại hội cổ đông thường niên 2022. 

Ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết dù có một lô cổ phiếu giao dịch giá dưới 13.000 đồng/cổ phần không đáp ứng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu thoái vốn của Eximbank tại Sacombank theo yêu cầu của cơ quan quản lý và toàn bộ quá trình thoái vốn vẫn có lãi. 

Giao dịch thực hiện thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn HoSE đảm bảo tính minh bạch, phù hợp giá thị trường. Kết quả lãi từ giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu STB cũng đã được Eximbank hạch toán, đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng giai đoạn 2017-2018.