EVN mua điện giá cao của Trung Quốc: Đừng trách EVN!

Lẽ ra EVN phải dự báo được nhu cầu và khả năng đáp ứng để khống chế lượng điện mua từ Trung Quốc.

Năng lực dự báo có vấn đề?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo báo cáo tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất và mua trong 10 tháng ước đạt 117,72 tỷ kWh, trong đó điện sản xuất đạt 52,607 tỷ kW, tăng 12,49% so với cùng kỳ song chỉ chiếm khoảng 44,68%, còn lại 55,32% EVN phải mua ngoài.

Cũng trong con số này, thủy điện chiếm 44,78%, nhiệt điện than chiếm 22,86%, tua-bin khí chiếm 30,62%, nhiệt điện dầu chiếm 0,22%, mua điện Trung Quốc chiếm 1,47%...

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, trước đây, tốc độ tăng trưởng rất nhanh của nền kinh tế khiến sự phát triển của ngành điện lực Việt Nam không theo kịp. Do vậy, phải mua điện từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Hai năm trở lại đây, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam chững lại nên ngành điện mới có cơ hội đáp ứng đủ nhu cầu điện trong nước.

 
Theo hợp đồng đã ký, EVN phải mua điện của Trung Quốc đến hết năm 2015
Theo hợp đồng đã ký, EVN phải mua điện của Trung Quốc đến hết năm 2015

"Việc EVN mua điện từ Trung Quốc là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Do các hợp đồng trước đây là mua có thời hạn, hai bên thống nhất ký đến hết 2015 nên về nguyên tắc giao thương quốc tế, EVN không thể phá vỡ hợp đồng dù dư luận có nhiều bức xúc. Trước đây, khi Việt Nam cần điện thì EVN cho rằng trong tương lai với nhịp độ phát triển kinh tế như vậy nước ta sẽ tiếp tục thiếu điện nên ký hợp đồng mua điện từ Trung Quốc đến hết năm 2015", ông Long cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, không thể trách EVN vì họ đã ký hợp đồng, dù đôi khi việc thực hiện có thể không có lợi bằng việc không thực hiện, nên bắt buộc phải thực hiện và bản thân tập đoàn này cũng cố gắng giảm đến mức tối thiểu lượng điện mua. Dù vậy, ông Long cũng nói rằng, việc mua bao nhiêu điện, vào thời điểm nào trong hợp đồng đều ghi rất rõ. Nếu EVN mua quá mức ấy hoặc không mua đúng cam kết cũng đều bị phạt.

"Những điều đó là chuyện thường tình vẫn xảy ra. Nhưng lẽ ra EVN phải dự báo chính xác nhu cầu tiêu thụ điện trong nước cũng như khả năng đáp ứng của mình để có thể khống chế chính xác lượng điện mua của nước ngoài".

Vào tháng 7/2014, trả lời báo giới, một lãnh đạo Tập đoàn EVN cho biết, giá mua điện Trung Quốc hiện tại là 6,08 cents/kWh. Giá điện này thấp hơn giá phát điện của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy chạy khí nhưng cao hơn giá của nhà máy thuỷ điện.

Lý giải việc nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phản ánh họ gặp nhiều khó khăn do bị ép giá, phải giảm công suất phát điện vào giờ cao điểm, GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho rằng việc này không phải vì EVN mua điện của Trung Quốc.

"Ngay cả EVN không mua điện của Trung Quốc thì có những thời đểm như vào ban đêm hay ngày nghỉ, nhu cầu sử dụng điện thấp nên bắt buộc phải cắt giảm khả năng phát điện. Điện sản xuất bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, tức là có người dùng thì mới phát được điện.

Nguyên tắc cắt bớt nguồn phát thế nào do Trung tâm điều độ điện quốc gia xử lý sao cho có lợi nhất về mặt kinh tế, kỹ thuật. Trung tâm này sẽ trực tiếp cắt điện tất cả những nhà máy điện công suất 30 MW trở lên tham gia vào thị trường điện cạnh tranh. Còn những nhà máy nào dưới 30 MW, chưa tham gia thị trường điện thì do điện lực địa phương, nơi nhà máy điện ký hợp đồng mua bán điện, thực hiện.

Hiện nay, theo tôi biết, lượng điện năng mua từ Trung Quốc chưa đến 5% tổng lượng điện năng cả hệ thống của Việt Nam cho nên nó có thể có ảnh hưởng gián tiếp ở một địa phương cục bộ nào đó, còn nhìn chung về toàn hệ thống, ảnh hưởng của nó không đáng kể", ông Long phân tích.

Thủy điện nhỏ hãy chờ...

Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ cho rằng họ bị "ra rìa" ngay từ trong chính sách của Nhà nước. Theo Thông tư 30/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, chỉ những nhà máy có công suất từ 30 MW trở lên mới được tham gia thị trường điện cạnh tranh.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho biết, con số 30 MW có tính lịch sử của nó. Theo đó, trong giai đoạn mới bắt đầu hình thành thị trường điện cạnh tranh, do năng lực điều hành, trình độ thu thập, xử lý thông tin của cơ quan nhà nước còn hạn chế nên để thuận lợi, không thể có quá nhiều nhà máy điện công suất rất nhỏ tham gia vào. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng phát triển, mức quy định về ngưỡng trên của công suất để được tham gia vào thị trường điện sẽ ngày càng giảm và cơ hội của những nhà máy điện nhỏ tham gia vào thị trường sẽ ngày càng tăng lên.

"Nước nào cũng vậy, những nhà máy tham gia vào thị trường điện cạnh tranh phải đạt mức công suất nhất định. Thị trường ngày càng phát triển thì mức ấy sẽ giảm dần, thậm chí sau này khi mỗi gia đình đặt những tấm pin mặt trời để phát điện, khi dùng không hết có thể bán ra bên ngoài. Đó là nguyên tắc chung của việc tổ chức và điều hành thị trường điện cạnh tranh".

Cũng theo ông Long, ngưỡng 30 MW là ngưỡng khách quan, không phân biệt nhà máy điện của EVN hay ngoài EVN. Tuy nhiên, EVN là một tập đoàn lớn nên thường những công trình của họ có công suất lớn, ngưỡng 30MW đối với họ không thành vấn đề, nhưng đối với các nhà đầu tư tư nhân thì phải cân nhắc.

"Luật đã quy định thì kêu sao được? Khi quyết định đầu tư một nhà máy thủy điện nhỏ, nhà đầu tư phải thấy trước được ở giai đoạn trước mắt họ chưa tham gia được vào thị trường phát điện cạnh tranh, do đó phải chờ đến lúc nào thị trường phát triển ở cao hơn, ngưỡng công suất sẽ hạ thấp thì cơ hội để tham gia sẽ xuất hiện".

Ông Long dự đoán, sản lượng điện EVN mua từ Trung Quốc sẽ giảm dần và đến lúc nào đó khi thấy không cần thiết nữa hoặc có những điều kiện nào đó về thương mại không có lợi, EVN sẽ dừng ký hợp đồng và dùng điện trong nước.

Về vấn đề độc quyền của EVN, theo ông Long đó là việc các cơ quan chức năng ăn lương của Nhà nước phải giám sát. "Trước đây có Ủy ban vật giá nhà nước, nay có Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, Cục Điều tiết điện lực... Việc của họ là phải để mắt đến sự sòng phẳng, minh bạch trong thị trường điện lực, từ giá cả đến quy chế đẻ quản lý vận hành thị trường điện".
 
Theo Thành Luân
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”