1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

EU, Mỹ chưa hề có chính sách ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết chưa có bất kỳ hạn chế nào từ EU, Mỹ về việc nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam. Việc huỷ, hoãn đơn hàng chỉ là quyết định của một số doanh nghiệp khi thị trường khó khăn.

EU, Mỹ chưa hề có chính sách ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam - 1
Cuộc họp của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dưới tác động của Covid-19 chiều 20/3.

 Theo báo cáo đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 20/3, ngành dệt may chịu tác động khá lớn do tác động của Covid-19 khi 2 tháng chỉ tăng 0,2%, trong khi cùng kỳ tăng 10,6%.

Trung Quốc vừa là thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất của Việt Nam với gần 3 tỷ USD/năm và cũng là quốc gia cung cấp nguyên liệu chính cho Việt Nam.

Tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm, với tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã tạm ngừng hoạt động, mở cửa sản xuất chậm 1 tháng khiến nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp dệt may bị gián đoạn… ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam.

Khi nguồn cung nguyên liệu vừa mới kịp nối lại, doanh nghiệp Trung Quốc đang trên đà khôi phục sản xuất thì ngành dệt may lại tiếp tục gặp khó ở đầu ra tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ cho biết, ngay khi có nắm được thông tin một số đối tác ở khu vực EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, Vụ đã có cuộc làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.

“Châu Âu đóng cửa biên giới, doanh nghiệp lo ngại, chúng tôi đã trao đổi với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, họ nói rằng các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men…”, ông Linh cho biết.

Ông Linh khẳng định, những chính sách này của châu Âu không tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam và EU vì quy định này chỉ áp dụng đến hành trình di chuyển của các cá nhân, các hoạt động vận chuyển và thông thương hàng hoá thì không bị hạn chế, đây chỉ là các biện pháp kiểm dịch để đảm bảo sức khoẻ của người châu Âu.

Mặc dù vậy theo ông Linh, xét về khía cạnh kinh tế vẫn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hoá từ các khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ... gây gián đoạn, làm chậm trễ dòng chảy kinh tế, thương mại và dịch vụ.

“Các hàng hoá nhập khẩu vào EU bằng đường hàng không chắc chắn ảnh hưởng nặng nề nhất vì hiện nay, chúng ta xuất khẩu 60 % bằng đường biển, 39% bằng đường hàng không. Trong thời gian tới, các chuyến bay bị hoãn, cắt giảm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá", ông Linh lo ngại.

Còn đối với thị trường Mỹ, ông Linh cho hay, Phòng Kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã khẳng định họ cũng không áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn việc tiếp cận thị trường với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu vào EU 2 tháng đầu năm vẫn “tương đối khả quan" trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, theo diễn biến như hiện nay, do hàng loạt các hệ thống bán lẻ của châu Âu, châu Mỹ đóng cửa, những mặt hàng xuất khẩu (không phải mặt hàng thiết yếu) sẽ bị ảnh hưởng.

“Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi cùng các thương vụ quan sát tình hình, sẽ có đề xuất biện pháp trong thời gian tới nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Linh cho hay.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng thông tin về việc có hiện tượng khách hàng của Hoa Kỳ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.

"Đầu tuần tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp dệt may, da giày, tìm hiểu thực tế những khó khăn của họ. Đối với những doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng rồi nhưng chưa xuất được, phải chịu khó chi phí về vấn đề lưu công, lưu bãi, chúng tôi đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ khó khăn về chi phí cho các doanh nghiệp này”, bà Trang cho biết.

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng sẽ rà soát các thị trường trọng điểm, nhất là các thị trường chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, để mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh đang dần khả quan hơn.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin thêm về tình hình khó khăn dệt may trong việc tìm đầu ra thay thế. Theo ông Hoài, nhiều đối tác huỷ đơn hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi.

Trong khi đó việc tìm thị trường thay thế cho EU, Mỹ - những bạn hàng rất lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vô cùng khó. “Năng lực ngành dệt may rất lớn, quy mô tiêu thụ nội địa chỉ cũng chỉ chiếm 10%. Một năm dệt may sản xuất khoảng 50 tỷ USD”, ông Hoài nói.

Nguyễn Mạnh