EU đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ công
Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc thành công, với việc thông qua thỏa thuận quan trọng nhằm xoa dịu lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Eurozone.
Theo thỏa thuận đạt được sau hơn 8 giờ đàm phán căng thẳng, các nhà cho vay tư nhân, chủ yếu là các hãng bảo hiểm và ngân hàng tư nhân, đã tự nguyện chấp thuận xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp so với mức 21% đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Eurozone hồi tháng 7/2011 như một phần trong gói cứu trợ tài chính thứ hai cho Athens. Động thái này hy vọng sẽ góp phần giúp Hy Lạp củng cố "sức khỏe" tài chính và tiến tới giảm gánh nặng nợ công từ 160% GDP hiện nay, xuống còn 120% GDP vào năm 2020.
Cũng theo thỏa thuận trên, các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí tăng tỷ lệ vốn cốt lõi (tức mức an toàn tối thiểu) của các ngân hàng trong khu vực lên 9%. Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, ông Donald Tusk, Thủ tướng Ba Lan, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết EU đưa ra quyết định trên sau khi đã xem xét giá trị thị trường của những khoản nợ trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng khu vực đang nắm giữ, đồng thời khẳng định tất cả các ngân hàng đó sẽ phải thực hiện mục tiêu mới về tỷ lệ vốn cốt lõi vào tháng 6/2012.
Ông Tusk không tiết lộ tổng số tiền cần thiết để thực hiện kế hoạch tái huy động vốn ngân hàng, và cho hay vấn đề này sẽ do các cơ quan ngân hàng châu Âu quyết định.
Theo tính toán của Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA), số tiền cần thiết cho các ngân hàng sẽ lên đến 106 tỷ euro (147 tỷ USD), trong đó riêng các ngân hàng của Hy Lạp sẽ cần thêm tới 30 tỷ euro; các ngân hàng của Tây Ban Nha cần trên 26 tỷ euro; còn các ngân hàng Italy cần huy động 14,8 tỷ euro. Theo quy định mới, các ngân hàng sẽ phải huy động nguồn vốn tư nhân trước tiên, kể cả thông qua hình thức cơ cấu lại hoặc chuyển đổi nợ thành cổ phiếu.
Nếu các ngân hàng không thể tự mình huy động đủ vốn, chính phủ các quốc gia thành viên có trách nhiệm hỗ trợ. Trong trường hợp nhà nước không thể hỗ trợ, việc tái huy động vốn sẽ được thực hiện thông qua một khoản vay từ EFSF.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhất trí tăng nguồn vốn cho EFSF từ 440 tỷ euro lên 1.000 tỷ euro, nhằm xoa dịu những lo lắng trên các thị trường về nguy cơ sụp đổ của khu vực Eurozone. Thời gian qua, EFSF đã được sử dụng để giải cứu cho Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, nên số tiền còn lại chỉ vào khoảng 290 tỷ euro. Các nhà lãnh đạo EU hy vọng với mức vốn nói trên, EFSF có thể đủ để giúp ngăn chặn bất kỳ một sự cố xấu đi nào ở Italy và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực.
EFSF sẽ được tăng cường "hỏa lực" thông qua cách, cả bằng việc bảo lãnh cho các nhà đầu tư mua trái phiếu nợ của các nước Eurozone, hay thông qua một quỹ đầu tư đặc biệt, dự kiến được thành lập trong vài tuần tới, nhằm thu hút đầu tư của các nước mới nổi trong nhóm BRICS như Trung Quốc và Brazil. Các nhà lãnh đạo Eurozone khẳng định sự kết hợp giữa hai phương án này sẽ làm cho EFSF trở nên linh hoạt hơn.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã hoan nghênh "một chương mới, một kỷ nguyên mới" đối với Hy Lạp sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nói trên. Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một tổ chức tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng có trụ sở tại Washington (Mỹ), đánh giá rằng đây là gói biện pháp toàn diện nhằm bình ổn châu Âu và củng cố hệ thống ngân hàng khu vực, đồng thời hỗ trợ nỗ lực cải cách của Hy Lạp.
Ngay sau khi kết quả cuộc họp cấp cao EU được loan báo, đồng euro đã mạnh hơn so với đồng USD, trong khi các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm, với thị trường Tokyo tăng 1,5%, Hong Kong tăng 1,74% vào giữa phiên giao dịch ngày 27/10./.