1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Ép” nhận nhà tăng diện tích hàng chục m2: Chủ đầu tư “lợi dụng” sơ hở người mua?

(Dân trí) - Mới đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy lại tiếp tục có mặt tại dự án để phản đối việc chủ đầu tư không thực hiện cam kết...

Một số khách hàng mua nhà tại dự án Discovery tập trung phản đối chủ đầu tư hôm 22/3. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Một số khách hàng mua nhà tại dự án Discovery tập trung phản đối chủ đầu tư hôm 22/3. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Tố chủ đầu tư “hứa lèo”, khách hàng tiếp tục “vây” dự án

Dự án Discovery Complex tại địa chỉ số 302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội được tái khởi động từ năm 2007 do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy - một công ty thành viên của Kinh Đô TCI Group làm chủ đầu tư.

Theo quy định tại hợp đồng, thời hạn bàn giao nhà là quý I/2016, chủ đầu tư được phép chậm bàn giao trong khoảng thời gian không vượt quá 180 ngày, tức là chậm nhất vào tháng 9/2016. Tuy nhiên đã bước sang năm 2018, cư dân vẫn chưa được bàn giao nhà mặc dù, cư dân liên tục có phản ánh, kiến nghị đến chủ đầu tư.

Đáng lưu ý, không chỉ chậm tiến độ bàn giao nhà theo hợp đồng đã ký kết, một loạt khách hàng còn “tố” chủ đầu tư tự ý tăng diện tích mỗi căn hộ lên hàng chục m2 và buộc cư dân phải thanh toán với số tiền tăng thêm lên tới vài trăm triệu đồng.

Hôm 15/3/2018, đại diện người mua nhà và chủ đầu tư đã có buổi làm việc nhằm thống nhất nội dung về trách nhiệm của chủ đầu tư trước các “lùm xùm” nói trên.

Tuy nhiên đến ngày 19/3, phía chủ đầu tư có văn bản trả lời cư dân, theo đó khẳng định lý do chậm thi công là bởi yếu tố bất khả kháng. Vì vậy, việc ban đại diện khách hàng đề xuất chi trả tiền lãi chậm bàn giao là không có cơ sở.

Trao đổi với Dân trí, chị Lê Quỳnh Anh – đại diện cho một nhóm cư dân mua nhà tại dự án Discovery cho rằng chủ đầu tư đã có hành động “hứa lèo”, không thực hiện đúng cam kết đã thống nhất với cư dân trong buổi làm việc trước đó. Mức đền bù chậm tiến độ chủ đầu tư tính ra chỉ 20-30 triệu đồng/căn.

Theo chị này, chủ đầu tư giải thích các nguyên nhân chậm tiến độ là do thi công nhà ga đường sắt Nhổn – ga Hà Nội ảnh hưởng tới tiến độ công trình, khó khăn cho giao thông và việc cung ứng vật liệu ra vào công trường. Tuy nhiên các cư dân cho rằng, lý lẽ chủ đầu tư đưa ra như vậy là chưa thuyết phục.

“Chúng tôi thống nhất chỉ chấp nhận việc chi trả khi hàng trăm triệu đồng cho việc tăng diện tích nếu chủ đầu tư phải thực hiện đền bù chậm tiến độ dự án cho từng căn hộ theo đúng thỏa thuận đã thống nhất vào ngày 15/3/2018”, chị Quỳnh Anh nói.

Cố tình tăng diện tích, đưa khách hàng vào thế khó?

Theo phản ánh, rất nhiều căn hộ bị tăng từ diện tích từ 2 – 25m2. Với giá mua căn hộ trên 30 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ có thể tăng thêm số tiền cả trăm triệu đồng… mà không được chủ đầu tư thoả thuận từ trước.

“Căn hộ của tôi tăng tới hơn 14m so với thiết kết ban đầu. Chủ đầu tư đang “ép” nhà tôi phải đóng tiền với diện tích tăng thêm theo đúng giá trị đã ký trong hợp đồng mua bán. Theo đó, khoản trả thêm này lên tới gần 500 triệu đồng. Việc này khiến gia đình tôi mất cân đối tài chính, không biết thu xếp từ đâu ra khoản tiền này để nộp thêm”, chị Lê Quỳnh Anh – một khách hàng mua nhà tại tầng 16 của dự án cho biết.

Trao đổi với Dân trí, luật sư Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn cho rằng việc phải trả thêm tiền cho số diện tích tăng thêm này đã đưa khách hàng vào “thế khó”. Bởi thông thường khi mua nhà người ta đã phải cân đối tài chính cho phù hợp, giờ phát sinh thêm vài trăm triệu là vấn đề rất lớn.

Tuy nhiên qua việc tìm hiểu hợp đồng mua bán nhà tại dự án này, ông Tuấn cho biết quy định về việc tăng phần diện tích bổ sung này có “lỗ hổng”. Theo đó, không có chi tiết nào đề cập tới việc khống chế diện tích tăng thêm hay nếu tăng thêm thì giá cả sẽ tính như thế nào.

“Hợp đồng chỉ quy định các bên thanh toán tiền với nhau theo giá đã thoả thuận. Rõ ràng nếu không được đề cập chi tiết trong hợp đồng thì rất khó cho cư dân trong việc đấu tranh đòi công bằng”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, cần phải xem xét việc thay đổi diện tích các căn hộ tại dự án này. “Phải chăng chủ đầu tư cố tình thay đổi thiết kế để buộc khách hàng phải nhận tăng thêm diện tích hay vì lý do gì?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Từ vụ việc nêu trên, ông Tuấn cho rằng người dân khi đi mua nhà hình thành trong tương lai cần phải xem xét kỹ trong việc chọn lựa chủ đầu tư dự án. Theo đó, cần ưu tiên chọn các chủ đầu tư có uy tín, có năng lực về tài chính.

Ngoài ra, để kiểm soát rủi ro cần xem xét kỹ hợp đồng mua bán nhà. Nếu không tự tin về mức độ am hiểu của mình đối với hợp đồng, luật sư Tuấn cho rằng, người dân nên sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý. Việc mua bán nhà không chỉ là khoản chi phí tiết kiệm cả gia đình mà còn là sự ổn định của cả gia đình trong một thời gian dài sắp tới.

“Thực tế các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở, nhất là hợp đồng mua bán căn hộ chung cư vẫn đang diễn ra phức tạp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu chính là việc các chủ đầu tư khi tiến hành giao kết, đã khéo léo lồng những quy định, điều kiện có lợi cho mình về tiến độ thanh toán, điều kiện thanh toán... Do vậy, người mua nhà cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, tránh phiền hà về sau”, luật sư Tuấn nói.

Nguyễn Khánh

“Ép” nhận nhà tăng diện tích hàng chục m2: Chủ đầu tư “lợi dụng” sơ hở người mua? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm