Duy nhất VietinBank được thoái trên 35% vốn Nhà nước

(Dân trí) - Chính phủ quy định, trong hoạt động thoái vốn, ngoại trừ VietinBank thì các ngân hàng thương mại cổ phần khác và Tập đoàn Bảo Việt phải duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ.


Tại Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành, Chính phủ đã thống nhất với yêu cầu, hoạt động thoái vốn ngoài ngành phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả. 

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý rằng, đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách thì thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính theo chế độ hiện hành và lập phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền.

Nghị quyết nêu rõ, trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. 

Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch này.

Để giải quyết vướng mắc gây ách tắc, ứ đọng tiến trình tái cơ cấu thời gian vừa qua, trong Nghị quyết này, Chính phủ đã cho phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Trường hợp đấu giá không thành công doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.

Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ cũng đã thông quan việc có thể giao các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được giao xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nhưng thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. 

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu, phương án thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và vai trò của tập đoàn, tổng công ty đối với phát triển của ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn Nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ.

Tập đoàn Bảo Việt, các ngân hàng thương mại cổ phần duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ (trừ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank). Như vậy, theo Nghị quyết này, trong số các ngân hàng có vốn Nhà nước, chỉ có duy nhất VietinBank được bán trên 35% vốn ra bên ngoài.

Hiện tại, ở VietinBank, Nhà nước đang nắm 64,46% vốn do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện vốn. Cổ đông chiến lược của VietinBank là ngân hàng Nhật Bản The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ nắm 19,73% vốn.

Một ngân hàng quốc doanh khác là TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, tuy nhiên cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd cũng mới chỉ nắm giữ 15% vốn Vietcombank, trong khi đó, Nhà nước sở hữu 77,11% vốn tại ngân hàng này.

Tại Tập đoàn Bảo Việt, Bộ Tài chính là đại diện sở hữu vốn Nhà nước và đang nắm 70,91% vốn, SCIC nắm 3,26% vốn; cổ đông chiến lượng Sumitomo Life của Nhật Bản nắm 18%.

Bích Diệp
 
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước