Đường sắt sẽ sáp nhập, thu gọn bộ máy siêu… “cồng kềnh”

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sẽ hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành 1. Thực hiện phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản từ công ty hợp nhất này để thành lập công ty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt.

Trụ sở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại đường Lê Duẩn
Trụ sở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại đường Lê Duẩn

Lãnh đạo ĐSVN cho biết, hiện nay Tổng công ty này gồm công ty Mẹ và 18 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 5 đơn vị sự nghiệp; 25 công ty CP có vốn góp chi phối: 2 công ty CP vận tải, 20 Công ty CP bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, 2 công ty CP Xe lửa, Công ty CP đá Đồng Mỏ và một số công ty cổ phần liên kết. Vốn điều lệ: 3.250 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng công ty này đã xây dựng Đề án “Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020”, để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực thông qua hạ tầng đường sắt, khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo đó, ĐSVN sẽ cơ cấu lại các Công ty cổ phần vận tải đường sắt theo phương án hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành 1 Công ty CP vận tải đường sắt. Thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản từ công ty hợp nhất này để thành lập công ty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp hợp nhất.

Sau khi tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện thoái hết toàn bộ vốn tại công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt này. Để thực hiện được nhiệm vụ về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo, ĐSVN sẽ giảm tỷ lệ cổ phần chi phối và duy trì ở mức 51%.

Đường sắt sẽ thu gọn bộ máy cồng kềnh khi cơ cấu
Đường sắt sẽ thu gọn bộ máy cồng kềnh khi cơ cấu

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để thu hút vốn ngoài Nhà nước vào lĩnh vực đường sắt tại các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và bảo trì kết cấu hạ tầng cầu đường. Như vậy sẽ tạo sự chủ động, độc lập cho các doanh nghiệp này hoạt động, phát triển.

Cùng đó, cần tiến hành luôn việc kêu gọi vốn ngoài Nhà nước khi thành lập doanh nghiệp cổ phần vận tải. Đưa các đơn vị đầu máy về các công ty vận tải để tạo sự chủ động về sức kéo. Với các doanh nghiệp bảo trì cầu đường nên tiếp tục thoái vốn để các doanh nghiệp này có thể tham gia đấu thầu các công trình, dự án ngoài ngành theo quy định của Luật Đấu thầu...

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu việc thực hiện tái cơ cấu lại ĐSVN phải làm sao tạo đột phá cho sự phát triển, vì vậy phải nghiên cứu, đề xuất rõ ràng hơn theo hướng giảm tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp đường sắt, tạo cơ chế để thu hút vốn xã hội hóa.

ĐSVN phải làm rõ được những yếu tố sẽ hiệu quả hơn của mô hình mới so với mô hình cũ, xác định lại phương án tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp đường sắt, phương án nên hay không đưa đầu máy về doanh nghiệp vận tải ngay khi tiến hành tái cơ cấu...

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu ĐSVN phải nghiên cứu lại tổ chức bộ máy, vì bộ máy mà cồng kềnh quá thì tái cơ cấu cũng không hiệu quả.

Châu Như Quỳnh

Đường sắt sẽ sáp nhập, thu gọn bộ máy siêu… “cồng kềnh” - 3