“Được mùa” cho vay tiêu dùng

(Dân trí) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01 cho phép thực hiện lãi suất thoả thuận, hàng loạt ngân hàng thương mại đẩy mạnh trở lại dịch vụ cho vay tiêu dùng, với thời hạn trả góp từ 5 - 15 năm.

“Được mùa” cho vay tiêu dùng - 1
Nhộn nhịp vay tiêu dùng (ảnh minh họa).
 
Nhiều lựa chọn
 
Trong năm 2008, dịch vụ cho vay tiêu dùng được các ngân hàng thắt chặt do cơ chế trần lãi suất, cùng với độ rủi ro, chi phí thẩm định của loại hình này cao hơn các dịch vụ khác.
 
Kể từ đầu tháng 2/2009, Thông tư 01 của NHNN cho phép các ngân hàng được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm khách hàng vay.
 
Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng vượt quá trần lãi suất 10,5%/năm, người dân tiếp cận vốn vay của ngân hàng dễ dàng hơn.
 
Cùng với cho vay tiêu dùng mua nhà, sửa nhà, mua ô tô có thế chấp, nhiều ngân hàng còn cho vay tín chấp (không cần tài sản bảo đảm) hoặc vay qua thẻ ghi nợ, với hạn mức cao nhất lên tới 500 triệu đồng và thời hạn trả góp kéo dài từ 5 - 15 năm.
 
Với loại hình dịch vụ này, khách hàng chỉ cần chứng minh có thu nhập ổn định từ lương (3 tháng gần nhất), có hộ khẩu thuộc khu vực 3 sẽ được vay khoản tiền tùy thuộc vào mức lương của khách hàng và hạn mức tín dụng của ngân hàng.
 
Điển hình như: LienVietBank với sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp với hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng; SeABank cho vay với hạn mức tối đa từ 300 - 500 triệu đồng/khách hàng, thời gian giải quyết hồ sơ tối đa chỉ 2 ngày; SHB cho vay với hạn mức tối đa 300 triệu đồng hoặc 12 lần thu nhập hàng tháng, thời hạn vay lên đến 48 tháng...
 
Lãi suất cho vay tín chấp của các ngân hàng thương mại đang dao động quanh khoảng 10 - 15%/năm, cá biệt có ngân hàng lên tới 18%/năm.
 

Tên ngân hàng

Hạn mức tín dụng

Lãi suất

LienVietBank

500 triệu đồng (18 tháng lương)

thấp nhất 12%/năm

Eximbank

500 triệu đồng (đảm bảo bằng BĐS)

Lãi tính trên dư nợ thực tế

Seabank

300 - 500 triệu đồng

14%/năm

SHB

300 triệu đồng

Lãi suất ưu đãi

ACB

250 triệu đồng

15,5%/năm

VIBank

200 triệu đồng

12 - 15%/năm

 
 
Thị trường tiềm năng
 
Lý giải việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng Giám đốc VIBank cho biết: Điều này xuất phát từ Thông tư 01 cho phép ngân hàng thoả thuận với khách hàng mức lãi suất cho vay cao hơn mức trần lãi suất.
 
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của khách hàng đến thời điểm hiện nay tăng cao, những mặt hàng mà người ta muốn vay vốn tại thời điểm trước như bất động sản cũng có xu hướng giảm xuống với giá rất thấp.
 
Nhu cầu vay vốn thì cao, mà nguồn cung của các ngân hàng cũng dồi dào, là lý do khiến cho vay tiêu dùng đang có mức tăng trưởng tương đối.
 
“Tuy lãi suất theo thoả thuận nhưng thực tế các ngân hàng áp dụng một mức lãi suất rất phù hợp. Mức lãi suất cũng chỉ tương đương hồi đầu năm 2008 chứ không quá cao.
 
Sự phát triển của vay tín chấp và thẻ ghi nợ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng với thời gian sử dụng vốn nhanh, không cần phải có tài sản bảo đảm, dù mức lãi suất có cao hơn một chút so với mức lãi suất cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm”, bà Minh Anh nói.
 
Ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank nhận định: Tình hình lãi suất trên thị trường giảm mạnh là cơ hội tốt cho vay tín dụng tiêu dùng sôi động trở lại.
 
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, Eximbank cam kết dành 3.700 tỷ đồng phục vụ cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn. Huy động vốn hiện tại của LienVietBank đạt gần 6.000 tỷ, tổng dư nợ đạt gần 3.000 tỷ với dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm gần 7%.
 
Với ACB, khoản vốn khoảng 2.000 tỷ đồng mà ngân hàng này dành cho loại hình tín chấp, nay đã giải ngân được phân nửa; tính đến nay, tỉ lệ dư nợ cho vay bất động sản tại ACB chiếm 10% trên tổng dư nợ 34.000 tỷ đồng. VIBank tiếp tục giải ngân và đã hoàn chỉnh mọi quy trình cho các cá nhân tiếp cận nguồn vốn, với mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm.
 
Với nguồn vốn mà các ngân hàng đổ ra như vậy, giới chuyên gia nhận định, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2008.
 
Nguyễn Hiền