Được, mất giá dầu

Giá dầu thô thế giới đã chọc thủng đáy 60 USD/thùng, mất gần một nửa giá, và dự báo có thể tiếp tục giảm, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 5 năm trở lại đây.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tại thị trường trong nước, sau đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 12 liên tiếp vào ngày 22/12, tổng mức giảm đã lên tới 7.769 đồng một lít xăng. Mức giảm đột biến, chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, tới 2.050 đồng một lít xăng, chắc chắn là tin vui với hàng chục triệu người tiêu dùng trên cả nước.

Song việc dầu thô liên tục giảm giá mạnh cũng là nỗi lo cho ngân sách nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên từng cho biết, cứ với mỗi 1 USD giá dầu giảm thì Việt Nam mất 1.000 tỉ đồng do chúng ta là nước xuất khẩu dầu thô. Vậy giá dầu giảm, mừng hay lo ?

Với một quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu như Việt Nam, các chuyên gia nhận định sẽ có tác động kép. Tuy nhiên với tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô chỉ chiếm khoảng 10% GDP hẳn không phải là nỗi lo quá lớn. Cái mừng với hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước, với đầu vào của một loạt ngành dịch vụ, sản xuất chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều nỗi lo giảm thu ngân sách từ xuất khẩu dầu.

TS Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số 51 ra ngày 18/12/2014) rằng: “Với dự báo 64 USD/thùng năm 2015 và 65 USD/thùng năm 2016, mặc dù tổng thu thuế có giảm, song lại có tác dụng tích cực tới nền kinh tế VN. Nếu Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cho vay 1%, đồng thời Bộ Tài chính tăng thuế giá trị gia tăng thêm 1%, nền kinh tế không những được cải thiện mà tổng thu thuế cũng tăng lên đáng kể”.

Theo tính toán của TS Khôi (sử dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu do Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội Vương quốc Anh xây dựng), với điều kiện như trên, GDP của nước ta không những không giảm mà sẽ tăng 0,46% năm 2015 và 0,84% năm 2016 nhờ hiệu ứng giá dầu giảm; tổng thu thuế cũng tăng tương ứng 5264 tỷ đồng năm 2015 và 5922 tỷ đồng năm 2016. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, kích thích tiêu dùng và phát triển sản xuất. Qua đó, nếu tận dụng được cơ hội quý giá này, nền kinh tế nước ta sẽ có bước phát triển mới, tổng thu ngân sách nhà nước không giảm mà sẽ tăng nhờ thu thuế tăng.

Hy vọng rằng nền kinh tế thị trường sẽ vận hành đúng theo quy luật vốn có của nó. Tức là giá xăng dầu giảm mạnh sẽ kéo theo một loạt giá cả hàng hóa, dịch vụ phải giảm theo. Nhiệm vụ còn lại của các cơ quan nhà nước về giám sát và quản lý giá cả, thị trường là cần có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh những doanh nghiệp, những hiệp hội ngành nghề cố tình liên kết để trục lợi từ giá xăng dầu giảm, không chịu giảm giá kịp thời theo đúng quy luật.

Theo Việt Hùng
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”