1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dược Cửu Long lên tiếng sau vụ án liên quan cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang

Nhân Cơ

(Dân trí) - Dược Cửu Long cho rằng các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir thuộc về trách nhiệm của các cá nhân tham gia ban điều hành doanh nghiệp khoảng thời gian 2006-2008.

Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm ngày 24/11 với vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan", doanh nghiệp đã đưa ra quan điểm với nhà đầu tư. 

Theo bản án, Công ty Dược Cửu Long (mã chứng khoán: DCL) phải bồi thường cho Bộ Y tế số tiền 58 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng phải nộp thêm số tiền án phí 166 triệu đồng.

Dược Cửu Long có quyền yêu cầu các bị cáo Lương Văn Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa và người thừa kế của ông Nguyễn Thanh Tòng, các pháp nhân có liên quan hoàn trả số tiền công ty phải bồi thường cho Bộ Y tế. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định.

Công ty cho biết trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Dược Cửu Long nhận thấy các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir diễn ra trong giai đoạn 2006-2008 thuộc về trách nhiệm của các cá nhân tham gia ban điều hành doanh nghiệp khoảng thời gian trên.

Vì vậy, công ty cho biết sẽ thực hiện các thủ tục kháng cáo cũng như các thủ tục pháp lý khác nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức liên quan.

Dược Cửu Long lên tiếng sau vụ án liên quan cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang - 1

Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (áo trắng) bị tuyên án 30 tháng tù treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (Ảnh: Hải Nam).

Công ty này cũng thông tin dự kiến trong năm nay, doanh thu thuần sẽ đạt hơn 950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 140 tỷ đồng trong điều kiện chưa tính đến ảnh hưởng của bản án mới đây. 

Dược Cửu Long được thành lập năm 1976, được cổ phần hóa vào năm 2004, niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2008. Năm 2015, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) bắt đầu thoái vốn khỏi công ty. Tập đoàn F.I.T tham gia đầu tư và hiện là công ty mẹ sở hữu 75% cổ phần Dược Cửu Long.

Bộ Y tế sau đó giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng giá thuốc Oseltamivir sản xuất trong nước. Trong số các doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Dược Cửu Long là một lựa chọn.

Theo nội dung bản án, năm 2005, Dược Cửu Long là một trong số các doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm A/H5N1.

Giai đoạn tháng 2 đến tháng 4/2006, Dược Cửu Long nhập 520kg nguyên liệu thuốc Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán 5,25 triệu USD cho đối tác, còn lại 3,848 triệu USD được trả sau.

Sau đó, giá nguyên liệu giảm, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long Lương Văn Hóa đã chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu USD, đồng thời hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền này.

Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện và yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, ông Hóa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục lòng vòng để hợp thức hóa hồ sơ thanh toán.

Số tiền mà Dược Cửu Long giữ lại không thanh toán cho Công ty Mambo là khoản tiền có nguồn gốc thuộc ngân sách Nhà nước. Các bị cáo tại Dược Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ, trái nguyên tắc tài chính, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính để hạch toán giảm nợ và ghi giảm giá vốn. Hành vi này dẫn tới ngân sách bị thiệt hại 3,848 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng).