1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đua nhau thuê CEO ngoại: Khi nào nên “cậy” người ngoài?

Thuê CEO ngoại không còn là chuyện mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt. Nhưng những cuộc chia tay với một số CEO đình đám gần đây khiến người ta phải nhìn nhận lại vấn đề.

Đua nhau thuê CEO ngoại: Khi nào nên “cậy” người ngoài?
Một "tướng" được xem là giỏi khi tập hợp được sức mạnh của nguồn nhân lực để phục vụ cho lợi ích của công ty 

 

Đã có lúc, thuê CEO được coi như mốt thời thượng của một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đa phần các cuộc "hôn nhân" giữa chủ doanh nghiệp và CEO được thuê thường không kéo dài. Thế rồi ông chủ lại loay hoay vừa làm chủ vừa điều hành doanh nghiệp…

 

Cần nhà tư vấn ngay lúc đang khỏe

 

Một chiều cuối tuần đầu tháng 2 vừa qua, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Robenny châu Á Thái Bình Dương (lĩnh vực hoạt động chính là "cho thuê" CEO, Robert Trần đang điều hành khoảng 65 nhân sự cao cấp là giám đốc và tổng giám đốc của các công ty tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á), trụ sở đặt tại Việt Nam, được một chủ doanh nghiệp Việt, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thuốc thú y mời đến trụ sở của công ty để tham vấn về nhân sự cao cấp. Không rào trước đón sau, chủ doanh nghiệp này "đặt hàng" Robert Trần về việc thuê một CEO.

 

"Công ty chúng tôi nay phát triển nhanh quá, tôi e rằng nó sẽ vượt tầm kiểm soát, trong khi chuyên môn của tôi chỉ là bác sĩ thú y, chưa qua đào tạo quản trị doanh nghiệp", chủ doanh nghiệp chia sẻ.

 

Tuy nhiên, sau một thời gian trao đổi và lắng nghe chủ doanh nghiệp chia sẻ mọi khó khăn, ông Robert Trần đã đưa ra nhận xét: "Công ty chỉ cần thuê một nhà tư vấn giúp bộ máy hoạt động tốt hơn mà thôi".

 

"Qua cách trao đổi với chủ doanh nghiệp, tôi thấy cách điều hành của anh ta rất thông minh và khoa học. Tuy xuất phát là một bác sĩ thú y, song anh ta có tư duy tổ chức và lãnh đạo tốt. Tôi khuyên anh hãy cứ tiếp tục điều hành với sự hỗ trợ của một nhà tư vấn mà thôi", Robert Trần kể lại.

 

Thực tế, không phải ai được mời làm CEO cũng có thể đưa ra lời khuyên chỉ nên mời tư vấn như trường hợp nói trên. Bởi theo tiết lộ của ông Robert Trần, chi phí để thuê CEO tại Robenny không dưới 10.000 USD/người/tháng, trong khi chi phí cho thuê nhà tư vấn có thể chỉ bằng 1/5.

 

Ngược lại, không phải ai được mời làm CEO cũng mặn mà. Chuyên gia tư vấn quản lý tài chính và chiến lược doanh nghiệp Trần Sĩ Chương, Việt kiều Mỹ, với 20 năm kinh nghiệm làm việc tại châu Á và hơn 20 năm làm việc tại Mỹ cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt muốn thuê CEO, nhưng lại không tin tưởng để giao toàn quyền cho họ. Đó là lý do chính khiến cho những cuộc "hôn nhân" này thường đứt gánh giữa đường.

 

"Trong quá trình tư vấn cũng có không ít doanh nghiệp mời tôi làm CEO, nhưng tôi biết họ chưa tin những gì tôi tư vấn, làm sao tôi nhận lời?", ông Chương nói.

 

Ông cũng phân biệt rất rõ ràng rằng, vai trò của nhà tư vấn đối với chủ doanh nghiệp có thể như người làm thuê ăn lương. Song một CEO phải được coi như một người bạn đồng hành với chủ doanh nghiệp, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.

 

Trong một buổi tọa đàm về chiến lược doanh nghiệp vừa được tổ chức tại TP.HCM, một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng, khi nền kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp nên có những nhà tư vấn tốt để giúp thay đổi hoặc ít nhất là giữ ổn định tình hình. Song ông Robert Trần lại cho rằng, kể cả khi mạnh, công ty cũng cần nhà tư vấn.

 

Ba điều kiện để thuê CEO

 

Vậy, lúc nào một chủ doanh nghiệp cần thuê một CEO?

 

Các chuyên gia tư vấn về nhân sự đưa ra 3 điều kiện. Đó là khi doanh nghiệp chưa đủ mạnh về chiến lược và khả năng quản lý chưa tốt. Thứ 2 là sẵn lòng chia sẻ mọi thông tin của công ty với người sẽ thuê. Và cuối cùng, doanh nghiệp cần có khả năng đánh giá và tầm nhìn dài hạn khi quyết định "cậy đến người ngoài".

 

Riêng với việc thuê CEO, ông Trần nhấn mạnh, khi công ty đang có đột biến lớn về nhân sự, chiến lược mở rộng thị trường kinh doanh, hãy mạnh dạn thuê một CEO giỏi để lèo lái con thuyền doanh nghiệp, ít nhất là trong 2 năm.

 

Tuy chuyên kinh doanh cho thuê CEO, song ông Robert Trần khá thẳng thắn khi khuyên doanh nghiệp phải hết sức thận trọng với quyết định thuê CEO. Theo ông, các chủ công ty Việt đa phần đi lên từ một cá nhân và mô hình kinh doanh gia đình, chưa có thói quen "cậy người ngoài" hoặc "không tin người ngoài". Vấn đề ở đây là doanh nghiệp Việt quá kỳ vọng vào việc tìm một CEO trong thời gian dài, trong lúc cách làm rất ngắn hạn, ông Chương và ông Trần đều chung nhận xét.

 

Chẳng hạn với trường hợp của ông Trần Bảo Minh, hiện là Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Thực phẩm châu Á, người từng được coi là "sao" tại các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam (Vinamilk, TH Milk…). Sau một thời gian ngắn từ 1 - 2 năm nắm giữ các vị trí cao cấp tại các công ty Việt, ông Minh đều ra đi. Khi đến và làm thành công, ông được coi như một "hiện tượng" làm thay đổi bộ mặt của công ty, nhưng khi ra đi, người ta cho rằng đó là sự cố.

 

Tuy nhiên, ông Robert Trần hoàn toàn không đồng ý nhận định đó. Ông cho rằng, ít nhất ông Minh đã làm tròn sứ mệnh của mình trong khoảng thời gian ngắn ông ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng của doanh nghiệp đó. "Đó là thành công của một nhân sự cao cấp làm thuê như ông Minh", ông Trần khẳng định.

 

Ông Robert Trần nói thêm: "Doanh nghiệp Việt Nam đừng quá kỳ vọng vào việc thuê CEO trong một thời gian dài vì đó là không tưởng". Thực tế, Robenny Việt Nam cũng chỉ đồng ý ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt trong thời hạn từ 1 - 2 năm, lâu hơn lại thường bị từ chối.

 

Vậy, Việt Nam hiện có thiếu nguồn nhân lực cao cấp không? Cả ông Chương và ông Trần đều khẳng định hoàn toàn không thiếu, nếu không nói là đang thừa!

 

Theo Lạc Sơn

Doanh Nhân