1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tại sao ngân hàng Việt ồ ạt “săn” CEO ngoại?

Việc hàng loạt NHTM cổ phần như: Mekong Bank,Techcombank, Maritime Bank… trao quyền điều hành cho tổng giám đốc nước ngoài với mức lương "khủng" đang làm nóng lên câu hỏi: doanh nghiệp Việt Nam cần nguồn nhân lực cao cấp đến mức nào?

Thực ra chuyện các doanh nghiệp Việt Nam tuyển CEO ngoại không phải việc làm mới. Trào lưu này đã từng rộ lên năm 2008 với các doanh nghiệp như Công ty AA, Ánh Rạng (mắt kính), Đồng Tâm…
 
Tại sao ngân hàng Việt ồ ạt “săn” CEO ngoại?

 

Cần CEO ngoại để nâng tầm thương hiệu?

 

Còn nhớ vào tháng 7/2008, Đồng Tâm là một trong 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam (cùng với FPT) được Bộ Khoa học Công nghệ chọn triển khai thí điểm dự án "Vươn tới đỉnh cao" (BiC - Best in Class), tức xây dựng những thương hiệu lớn của Việt Nam vượt lên tầm khu vực.

 

Để thực hiện mục tiêu này, tháng 8/2008, ông Laude, quốc tịch Pháp, dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm kinh doanh tại Việt Nam, đã được Đồng Tâm mời về nắm quyền tổng giám đốc.

 

Đồng thời, Đồng Tâm còn thuê 4 nhân sự người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở các tập đoàn, các công ty lớn trên thế giới về giữ các cương vị giám đốc cho tập đoàn.

 

Theo đại diện của Đồng Tâm Group, vào thời điểm đó, "việc tuyển dụng các nhân sự cao cấp nước ngoài vào làm việc không chỉ tạo cho Đồng Tâm có thêm sức mạnh nội lực mà còn từng bước vươn tới tính chuyên nghiệp cao".

 

Vào năm 2009, khi Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA bổ nhiệm ông Chad Ovel, người Mỹ làm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị AA đã cho biết, lý do chọn ông Ovel là vì ông này "hiểu tường tận văn hóa và cách làm việc của công ty".

 

Theo ông Khanh, việc tuyển CEO ngoại không hẳn là chìa khóa thành công cho một doanh nghiệp xuất khẩu như AA. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn có CEO giỏi người Việt. Công ty AA từng có những nhân sự quản lý cao cấp đến từ Mỹ, Singapore, Philippines, Thái Lan... từ trước năm 2000, nhưng ngoại hay nội không phải là tiêu chí tuyển dụng mà quan trọng là họ sẽ phục vụ công ty như thế nào?

 

Ông Khanh còn nói thêm, khách hàng của AA đa số nói tiếng Anh nên CEO quốc tịch Mỹ cũng hỗ trợ phần nào về tâm lý khi làm việc với đối tác.

 

Còn với FPT, ngày 1/1/2010, ông Ogawa Takeo cũng chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty FPT Nhật Bản (FPT Japan). Đây là CEO nước ngoài đầu tiên của một đơn vị thành viên của FPT. Với vị CEO người Nhật Bản, FPT Japan kỳ vọng sẽ mang về cho FPT Software những hợp đồng lớn và dài hạn từ thị trường này để nâng tầm đẳng cấp của FPT Software nói riêng và FPT nói chung.

 

Theo thông tin từ FPT thì ông Ogawa Takeo là một người giàu kinh nghiệm, uy tín trong ngành công nghệ thông tin Nhật Bản và từng lãnh đạo một công ty IT hàng đầu Nhật Bản. Ông cũng là người rất yêu, hiểu và luôn ủng hộ cho khát vọng lớn mạnh ở Việt Nam và vươn ra thế giới của FPT.

 

Trong lĩnh vực ngân hàng, CEO ngoại đầu tiên có thể kể đến là ông Lau Boon Tuan, quốc tịch Singapore, đến với Ngân hàng Mekong Bank, có trụ sở ở Tiền Giang. Tuy nhiên, nổi đình đám và được báo chí đưa tin nhiều nhất từ đầu năm 2012 đến nay là việc Techcombank đã thay vị Tổng giám đốc đã gắn bó suốt 12 năm qua - ông Nguyễn Đức Vinh, bằng vị CEO mới là ông Simon Morris, quốc tịch Anh, người từng là Giám đốc điều hành Ngân hàng Khan tại Mông Cổ với mạng lưới hơn 500 chi nhánh.

 

Mới nhất, vào cuối tháng 3/2012, Maritime Bank thông báo, Tổng giám đốc mới là ông Atul Malik, người từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Ban điều hành Ngân hàng Deustche Bank. Cả 3 CEO ngoại trong khối ngân hàng này đều được kỳ vọng đưa ngân hàng của mình vào tốp dẫn đầu thị trường Việt Nam, tăng trưởng tốt và mạnh hơn…

 

Kỳ vọng quá lớn?

 

CEO mới phải giữ được ít nhất 70% nhân sự của bộ máy quản lý cũ.

Hiện Việt Nam có trên 95% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Nhân sự cao cấp Việt Nam thực tế vẫn còn thiếu về số lượng lẫn chất lượng, thể hiện qua những hạn chế về kỹ năng mềm (kỹ năng quản trị, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng động viên và thúc đẩy cấp dưới làm việc, kỹ năng phân công công việc….), hạn chế về tầm nhìn chiến lược, hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn… Chính vì vậy, việc thuê nguồn nhân lực cao cấp từ nước ngoài vừa giúp các doanh nghiệp "gỡ khó" vừa giúp đào tạo nguồn nhân lực tiếp theo…

 

Bà Bùi Thị Hồng Liên, cựu Tổng Giám đốc FPT Software, khi ký quyết định bổ nhiệm ông Ogawa đã cho rằng: "Với sự tham gia của ông Ogawa ở vị trí CEO, FPT Software kỳ vọng ông sẽ giúp hiểu luật pháp, thị trường và khách hàng Nhật Bản tốt hơn. Nhờ đó, FPT Software sẽ xác định được chiến lược tại Nhật Bản và đáp ứng được tốt hơn yêu cầu của khách hàng, lấy được sự tin tưởng của khách hàng để có được các dự án lớn và trở thành đối tác chiến lược và lâu dài của khách hàng.

 

Ngoài ra, với vị trí CEO, ông Ogawa sẽ giúp phát triển FPT Japan theo mô hình một công ty Nhật thực thụ với môi trường làm việc chuyên nghiệp và kỷ luật cao; giúp đào tạo các cán bộ quản lý và nhân viên FPT Japan theo cách làm việc Nhật Bản; giúp tuyển dụng và quản lý các nhân sự giỏi người Nhật khác, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của FPT Japan tại Nhật Bản".

 

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 2/2012 vừa qua, các cổ đông của Maritime Bank khi thông qua quyết định thay tổng giám đốc người nước ngoài, cũng hy vọng CEO mới có thể giúp họ kiện toàn công tác quản trị, điều hành theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ, đủ khả năng dẫn dắt ngân hàng và nhắm tới mục tiêu vào năm 2013, Maritime Bank sẽ trở thành ngân hàng cạnh tranh tốt nhất, dần tiến đến vị trí một trong 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

 

Và thực tế là ở Mekong Bank, qua một năm sau khi Tổng giám đốc mới nắm quyền điều hành, Mekong Bank đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 3.750 tỉ đồng, hoàn tất hệ thống công nghệ IT nhằm tối đa hóa giá trị cho khách hàng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 500 tỉ đồng, bằng 139% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,08%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 55,87%, tỷ lệ chia lợi tức cổ phần là 10,5%... CEO Lau Boon Tuan được tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2012 - 2017.

 

Còn tại ngân hàng Techcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank - ông Hồ Hùng Anh - mới đây bày tỏ tin tưởng rằng, quyết định bổ nhiệm ông Simon Morris vào vị trí CEO sẽ hỗ trợ Techcombank duy trì và đẩy mạnh hơn nữa tiến độ chuyển đổi, xây dựng nền tảng vững chắc để duy trì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ của mình.

 

Nhưng liệu những kỳ vọng này có là quá lớn? Với Maritime Bank, CEO mới chỉ còn chưa tới 2 năm để hiện thực các mục tiêu đầy tham vọng như đã nêu trên. Đó là một áp lực không nhỏ, khi theo báo cáo thường niên 2010, lượng khách hàng của Maritime Bank còn ở con số 217.360, mạng lưới giao dịch vẫn chưa phủ kín toàn quốc…

 

Ngay cả với ông Simon Morris, người đã nhận việc từ tháng 12/2011 thì dù có được Hội đồng quản trị ủng hộ đến đâu, việc đưa ra được các kế hoạch hành động cụ thể nhằm đưa Techcombank vượt qua những đối thủ nặng ký, đầy kinh nghiệm để vươn lên vị trí hàng đầu cũng không hề dễ dàng. Một "tướng" giỏi là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, bởi doanh nghiệp phát triển mạnh hay không còn phụ thuộc vào chiến lược, khả năng cạnh tranh, đội ngũ quản trị, mạng lưới, nguồn nhân lực…

 

Thuê "tướng" chỉ là một giải pháp

 

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn từng nêu ý kiến: "Mời được một CEO ngoại về tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, nên không ông chủ nào muốn họ chỉ hợp tác một thời gian ngắn".

 

Trong khi đó, các CEO người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do chưa hiểu tường tận về văn hóa công ty cũng như văn hóa Việt Nam, bên cạnh đó là rào cản ngôn ngữ (khi đa số nhân viên không giỏi ngoại ngữ), mô hình quản trị còn sơ sài…

 

Với các CEO chuyên nghiệp, quen làm việc, ra quyết định dựa trên số liệu được tổng hợp đầy đủ, cặn kẽ thì khi đối diện với hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có nước… bó tay!

 

Ông Nguyễn Quốc Khanh, khi tuyển CEO người Mỹ cho Công ty AA, đã đưa ra tiêu chí khá rõ: nếu muốn gắn bó lâu dài với công ty, CEO trước hết phải giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Một CEO không thể lúc nào cũng dùng phiên dịch và thực tế đã có không ít "tai nạn" xảy ra chỉ vì phải thông qua phiên dịch.

 

Theo ông Khanh thì công ty cần CEO giỏi là để quản lý và cải tiến bộ máy hoạt động tốt hơn chứ không phải để xây dựng một hệ thống mới, mất thời gian và tốn kém. CEO mới phải giữ được ít nhất 70% nhân sự quản lý cũ.

 

Trong việc thuê CEO người nước ngoài, theo các chuyên gia ngân hàng, CEO ngoại thường có tố chất và kinh nghiệm, có thể giúp các ngân hàng cải thiện khâu yếu nhất hiện nay là quản trị rủi ro. Nhưng thách thức với các CEO ngoại khi điều hành ngân hàng Việt Nam cũng không nhỏ, quan trọng nhất là ngoài chuyên môn giỏi, họ còn phải thấu hiểu tình hình Việt Nam.

 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trước đây nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp là người nước ngoài điều hành doanh nghiệp không hiệu quả do gặp khó khăn về môi trường làm việc, khả năng thích nghi. Một nguyên nhân quan trọng nhất là hội đồng quản trị muốn phát triển doanh nghiệp ở tầm quốc tế bằng cách thuê tổng giám đốc ngoại, thuê người giỏi, nhưng vẫn đặt CEO này ở vị trí người làm thuê thay vì ông chủ như chuẩn mực quốc tế.

 

Ở góc độ khác, một số chuyên gia cho rằng, thuê tổng giám đốc ngoại chỉ là bước khởi đầu. Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi cho rằng, việc thuê CEO ngoại nên làm, nhưng phải cân nhắc kỹ, bởi muốn phát triển cần thay đổi từ tư duy, phong cách dịch vụ, phục vụ… Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM chia sẻ: thuê CEO không phải là chuyện khó, lương cao cả trăm ngàn đô la một năm ngân hàng vẫn có thể trả được nếu thực sự hiệu quả. Nhưng thị trường Việt Nam khác nước ngoài, lại càng khác các quốc gia Âu Mỹ mà những vị CEO học hành bài bản đã trải nghiệm, nên ông vẫn chần chừ…

 

Thuê CEO ngoại không dễ!

 

Theo khảo sát của Tower Watson tại 165 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong năm 2011, thu nhập của cấp độ điều hành ở mức cao nhất bao gồm lương cơ bản và thưởng lên tới 1,67 tỷ đồng/năm. Việc bỏ ra khoản tiền khá lớn để trả lương cũng như các phúc lợi cho lao động nước ngoài là một yếu tố quan trọng khiến các ông chủ doanh nghiệp trong nước phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định tuyển dụng.

 

Ngoài ra, ở Việt Nam, phần lớn các chủ doanh nghiệp cũng là sếp nên thường lẫn lộn quyền sở hữu và quyền điều hành, can thiệp quá nhiều vào công việc của các CEO.

 

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp hay gặp phải với CEO nước ngoài là trong quá trình đàm phán chỉ tập trung vào các thỏa thuận về lương bổng, điều kiện làm việc, quyền lợi... mà không chú ý đến những yếu tố thuộc về văn hóa doanh nghiệp, khiến sự hợp tác giữa chủ doanh nghiệp và CEO phần lớn không được như mong muốn ban đầu.

 

Theo Kim Lê - Xuân Mỹ

Doanh Nhân