"Ăn đẫm" với cổ phiếu công ty thuốc sát trùng giữa đại dịch Covid-19

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu VPS của một công ty thuốc sát trùng đã tăng tới 40% chỉ trong 1 tuần giao dịch khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhà đầu tư nào "ăn trọn" nhịp tăng này sẽ lãi rất đậm, nhưng điều đó không dễ.

Tình trạng đi ngang, giằng co của các chỉ số tiếp tục tái diễn trong phiên chiều 4/2. Tâm trạng những nhà đầu tư đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu lớn thấp thỏm không yên khi VN-Index liên tục quay về "kiểm định" ngưỡng 1.000 điểm.

Dù vậy, cuối phiên, giới đầu tư cũng đã có thể "thở phào" vì chỉ số chính VN-Index vẫn đóng cửa tại mức "xanh". Chỉ số nhích nhẹ 0,9 điểm tương ứng 0,08% lên 1.112,19 điểm nhờ đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).

Đáng chú ý là nếu các phiên trước, VN30-Index "kéo" Vn-Index tăng thì tại phiên này, rổ chỉ số của 30 cổ phiếu tiêu biểu nhất sàn HSX đã đóng cửa giảm 0,24 điểm tương ứng sụt nhẹ 0,02% trong khi VN-Index tăng.

HNX-Index cũng tăng mang tính chất "hình thức" với biên độ hẹp 0,06 điểm tương ứng 0,03% lên 222.68 điểm. UPCoM-Index có bứt phá hơn về cuối, đạt tăng 0,75 điểm tương ứng 1,03% lên 74,06 điểm.

Ăn đẫm với cổ phiếu công ty thuốc sát trùng giữa đại dịch Covid-19 - 1

Diễn biến gay cấn của VN-Index và VN30-Index phiên 4/2

Do tính chất đi ngang gây "khó chịu" của chỉ số, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn thận trọng và đứng ngoài quan sát thay vì "tham chiến" do chưa rõ xu hướng tăng/giảm.

Thanh khoản thị trường vì vậy cũng thu hẹp đáng kể so với phiên trước. Thanh khoản toàn thị trường đạt 14.284,1 tỷ đồng, giảm tới 22,2% so với phiên 3/2 (trong đó trên HSX là 12.156,5 tỷ đồng).

Một số mã có thanh khoản tương đối cao là ROS với 26,3 triệu đơn vị khớp lệnh, HPG với 22,25 triệu, STB với 18,65 triệu và SHB với 15,71 triệu đơn vị khớp.

Trong đó, ROS khiến cổ đông của doanh nghiệp này "thở phào" khi đã chấm dứt chuỗi giảm sàn và đạt trạng thái tăng trần. Cuối phiên mã này còn dư mua giá trần gần 2 triệu cổ phiếu, trắng bên bán. TTF cũng tăng trần lên 4.810 đồng và "sạch" dư bán.

Cổ phiếu một số công ty trong ngành dược cũng tăng khá tốt: IMP của Dược phẩm Imexpharm tăng 1,6% lên 55.700 đồng; DGC của Hóa chất Đức Giang tăng 1,4% lên 51.700 đồng; DHT của Dược Hà Tây tăng nhẹ 0,9% lên 53.500 đồng; NDC của Nam Dược tăng 12,6% lên 67.800 đồng; DHD của Dược Vật tư Y tế Hải Dương tăng trần 14,8% lên 29.400 đồng; TW3 của Dược Trung ương 3 tăng 4,3% lên 12.000 đồng.

Tuy nhiên, chiều ngược lại, cổ phiếu VPS của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco) đã quay đầu giảm sàn xuống 16.100 đồng/cổ phiếu, chấm dứt chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp của mã này.

Ăn đẫm với cổ phiếu công ty thuốc sát trùng giữa đại dịch Covid-19 - 2

Nhịp tăng trọn 1 tuần của VPS đã kết thúc bằng phiên giảm sàn ngày 4/2

Đóng cửa, mã này giảm kịch sàn với thanh khoản chỉ đạt 245.400 cổ phiếu, không hề có dư mua trong khi vẫn còn dư bán sàn 19.600 đơn vị.

Trước đó, VPS tăng trần liên tiếp từ ngày 28/1 đến ngày 3/2, tăng giá từ 12.450 đồng lên 17.300 đồng (tăng giá gần 40% chỉ trong 1 tuần giao dịch). Nếu nhà đầu tư nào "ăn trọn" nhịp tăng này của VPS thì sẽ lãi rất đậm, nhưng điều đó cũng không hề dễ dàng khi thanh khoản của VPS rất khiêm tốn.

Vipesco vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 với kết quả doanh thu thuần giảm 13% xuống 164 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế vẫn đạt gần 7 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 7 tỷ đồng của cùng kỳ quý 4/2019.

Một thông tin mà nhà đầu tư trước khi bắt đầu phiên giao dịch 5/2 cần lưu ý là trong phiên 4/2, khối nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng 166,5 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Riêng trên sàn HSX, khối ngoại bán ròng 91,9 tỷ đồng, tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh) lại bán ròng 33,9 tỷ đồng và khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng bán ròng 197,4 tỷ đồng. Bên mua ròng là nhà đầu tư cá nhân trong nước với giá trị mua ròng đạt 323,2 tỷ đồng.