Dự trữ ngoại hối Trung Quốc “bốc hơi” gần 100 tỉ USD
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 7/2 cho biết, dự trữ ngoại hối nước này đã giảm 99,5 tỉ USD xuống còn 3,23 ngàn tỉ USD trong tháng 1/2016.
Sự sụt giảm trên cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc giữ giá đồng nhân dân tệ và ngăn dòng vốn tháo chạy khỏi nước này. Dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 420 tỉ USD trong 6 tháng qua và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.
Ông Rajiv Biswas, kinh tế trưởng về châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn IHS Global Insight, nhận định: “Mặc dù quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn còn rất lớn nhưng tốc độ suy giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây là xu thế không bền vững”.
Trong khi đó, giới chức trách Trung Quốc lo sợ sự mất giá đồng nội tệ có thể gây bất ổn cho nền kinh tế trong nước. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gánh những khoản nợ tính bằng USD trong khi đồng nhân dân tệ mất giá có thể gây ra không ít vấn đề dẫn đến việc một số công ty phá sản.
Mối lo ngại kinh tế Trung Quốc chậm lại, tài sản sẽ nhanh chóng bị mất giá đã thôi thúc các nhà đầu tư bán tháo các tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ để mua các tài sản định giá bằng USD.
Trong tháng 12/2015, dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc đã lên tới 158,7 tỉ USD và tính riêng trong năm 2015, dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế thứ 2 thế giới đã lên tới hơn 1.000 tỉ USD, gấp 7 lần năm 2014. Nhằm ổn định tình hình trên, Trung Quốc đã tung USD để mua đồng nhân dân tệ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn áp dụng một số biện pháp khác gồm ngăn đầu cơ tiền tệ và yêu cầu các ngân hàng nước ngoài nên duy trì ngoại hối đồng nhân dân tệ.
Bình luận về sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, nhà kinh tế kỳ cựu George Magnus cho rằng có sự "nhầm lẫn" trong chính sách ngoại hối của Trung Quốc. "Rõ ràng điều này không thể kéo dài" – chuyên gia này nhận định.
Theo Xuân Mai
Người lao động/BBC, Bloomberg