Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước giải khát: Có hay không nguy cơ chồng chéo?

(Dân trí) - Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nước giải khát đang trong giai đoạn được lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan

Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước giải khát: Có hay không nguy cơ chồng chéo? - 1
Hình minh hoạ.


Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện đang áp dụng bình thường Quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn của Bộ Y tế; Đã quy định tiêu chuẩn kiểm nghiệm liên quan nằm trong hàng chục các tiêu chuẩn Việt Nam như TCVN 4884-2015, TCVN 6848:2007, TCVN 7924- 1:2008…

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tuân thủ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7041: 2009 với các quy định về kĩ thuật của Đồ uống không cồn. Như vậy việc thêm một bộ tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát được cho là “chồng chéo, doanh nghiệp khó thực thi”.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Nông nghiệp - Thực phẩm, thuộc Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nhóm sản phẩm nước giải khát nhằm minh bạch hóa giữa các loại sản phẩm đồ uống không cồn.

Hiện nay, đã có các TCVN đối với sản phẩm nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; nước rau quả; các sản phẩm sữa dạng lỏng; sữa đậu nành… là các sản phẩm thuộc nhóm đồ uống không cồn. Riêng đối với các sản phẩm nước giải khát (cũng thuộc nhóm đồ uống không cồn) hiện chưa có các tiêu chuẩn cụ thể.

Phạm vi áp dụng của dự thảo TCVN về nước giải khát quy định các yêu cầu đối với các loại nước giải khát cụ thể như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa nước trái cây...

Theo ông Hưng, dự thảo TCVN chỉ tập trung vào các yêu cầu về mức chất lượng đối với các sản phẩm nước giải khát cụ thể, bao gồm yêu cầu cảm quan và các chỉ tiêu lý - hóa.

Trao đổi với Dân trí về dự thảo trên, ông Lương Xuân Dũng, Chánh Văn Phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết VBA đang tiếp tục lấy ý kiến của các thành viên trong hiệp hội.

Theo ông Dũng, trong dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước giải khát có rất nhiều nội dung, mỗi nội dung lại có những tác động đến đơn vị này, đơn vị khác mức độ khác nhau. Ông Dũng khẳng định sau khi tập hợp được đầy đủ ý kiến hiệp hội sẽ có văn bản góp ý về dự thảo này.

Nêu quan điểm riêng về dự thảo nói trên, ông Dũng cho biết, vẫn còn một số vấn đề cần được làm rõ. “Có những khái niệm quy chuẩn gọi một kiểu, dự thảo tiêu chuẩn gọi một kiểu. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra ý kiến với chúng tôi, theo đó họ cho rằng, có những điểm không đồng thuận vì không phù hợp”, ông Dũng nói.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về an toàn thực phẩm, sản phẩm đồ uống không cồn nói chung và nước giải khát nói riêng, doanh nghiệp còn bắt buộc phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6-2:2010/BYT (ban hành theo Thông tư số 35/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn) và xem xét tuân thủ TCVN 7041:2009 (Đồ uống không cồn – quy định kỹ thuật).

QCVN 6-2:2010/BYT đã nêu rõ “Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn” (Điểm 1.1 Mục 1). Còn TCVN 7041:2009 quy định “áp dụng cho các loại đồ uống không cồn… không áp dụng cho các loại nước khoáng, nước tinh lọc” (Mục 1).

Như vậy theo bà Thảo, nước giải khát không cồn (như phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo) thuộc nhóm sản phẩm đồ uống không cồn và đã phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật này.

“Nếu có thêm TCVN về nước giải khát như bản dự thảo, sẽ tạo gánh nặng về quy định cần phải tuân thủ đối với cùng một loại sản phẩm”, bà Thảo nhận xét.

Mặt khác theo vị chuyên gia này, việc ban hành nhiều văn bản khác nhau với cùng một nội dung quản lý sẽ khiến doanh nghiệp bối rối không biết phải tuân thủ theo văn bản nào, và rất có thể từ đó doanh nghiệp bị gây khó khăn.

Vì vậy, bà Thảo cho rằng dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật này thể hiện sự chồng chéo về quản lý nhà nước; không thể hiện được ý nghĩa và hiệu quả quản lý, đồng thời tạo gánh nặng chi phí đối với các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ.

Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, cắt giảm gánh nặng chi phí, quy định và thủ tục đối với doanh nghiệp… thì việc ban hành thêm một văn bản trùng lặp có nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp như vậy rõ ràng là không phù hợp. Đặc biệt với công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành cải cách theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục, tránh chồng chéo, và phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế, thì bản dự thảo này lại có xu hướng ‘phức tạp hóa’, tạo sự chồng chéo trong quản lý, không thể hiện được tinh thần cải cách cũng như tôn trọng các chủ trương đó.

Ngoài ra bà Thảo cho rằng, việc “chồng” thêm các quy định cũng sẽ gây tốn kém không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các cơ quan quản lý trong quá trình giám sát, thực thi các tiêu chuẩn này. Chi phí phát sinh thêm hẳn nhiên sẽ được doanh nghiệp cộng vào giá bán, như vậy cuối cùng người tiêu dùng lại là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, trong khi chưa thể chứng minh được những lợi ích mà tiêu chuẩn mới này có thể đem lại.

Đối với một tiêu chuẩn quan trọng như tiêu chuẩn này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần có sự tham gia tư vấn, đóng góp sâu rộng hơn nữa từ những người có kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn, cũng như cần tham khảo thêm ý kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước giải khát.

Theo đó, Ban soạn thảo nên tổ chức thêm các buổi hội thảo, các diễn đàn trao đổi công khai để tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu tác động trực tiếp, có cơ hội đóng góp cũng như lắng nghe các ý kiến từ nhiều phía, từ đó mới có thể đưa ra những quy định hợp lý, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn nhất.

Nguyễn Mạnh