1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự thảo Thông tư 36: Tín hiệu cảnh báo cho các tổ chức tín dụng

(Dân trí) - “Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi là tín hiệu phát ra để cảnh báo các tổ chức tín dụng. Bài học cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2012 vẫn còn đó, khi nợ xấu bất động sản chưa xử lý hết. Cần phải kiểm soát tốt và giữ an toàn cho hệ thống tiền tệ...”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Phát biểu tại hội thảo “Triển vọng đầu tư 2016: Sự trở lại của bất động sản”, diễn ra tại TPHCM hôm nay (9/3), bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dành thời gian nói nhiều hơn về việc NHNN đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Bà Hồng khẳng định, ổn định vĩ mô của nền kinh tế là vô cùng quan trọng, là cơ sở vững chắc để quốc gia, doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cuối 2011, kinh tế đối diện lạm phát rất cao ở mức 2 con số. Lãi suất lúc đó trên 20%, thậm chí có khoản vay trên 30%/năm. Tỷ giá biến động mạnh. Hệ thống ngân hàng đối mặt với nguy cơ đổ vỡ…

Hoạt động của hệ thống ngân hàng đã và đang được triển khai các bước cơ cấu lại theo lộ trình mà Chính phủ đã phê chuẩn. Hiện nay, bức tranh kinh tế sáng sủa hơn khi lạm phát được kiểm soát dưới 1%, tăng trưởng kinh tế cao 6,7%. Lãi suất luôn ở mức thấp, thị trường tiền tệ không có bất ổn, tỷ giá liên tục được ổn định… Đó là điểm sáng mà nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế quan tâm.

Việc siết tín dụng BĐS là để đảm bảo tính an toàn cho hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng
Việc siết tín dụng BĐS là để đảm bảo tính an toàn cho hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng

“Sau khủng hoảng tài chính Mỹ và suy thoái tài chính toàn cầu, các nhà kinh tế đều cho rằng, một điều không thể thiếu trong quá trình ổn định kinh tế vĩ mô là ổn định hệ thống ngân hàng bởi vì đây là trung gian tài chính. Hệ thống này mà ổn định, vai trò trung gian tài chính rót vốn cho nền kinh tế hiệu quả thì sẽ góp phần cho cả nền kinh tế cũng như các thành viên trong nền kinh tế, tổ chức, cá nhân có sự ổn định trong sản xuất kinh doanh”, bà Hồng nói.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, trong quá trình điều hành, NHNN luôn nâng cao vị thế của Việt Nam đồng, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo thị trường những rủi ro có thể phát sinh từ hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì thế, dự thảo Thông tư 36 là tín hiệu mà NHNN phát ra để cảnh báo cho các tổ chức tín dụng.

“Diễn biến của những năm qua cho thấy tín dụng trung dài hạn đang tăng nhanh hơn tín dụng ngắn hạn trong khi nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng chủ yếu ngắn hạn. Điều này sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng trong nước. Với vai trò là trung gian tài chính, khi mà tín dụng trung dài hạn đang tăng nhanh hơn thì rõ ràng phải cảnh báo rủi ro cho các tổ chức tín dụng”, bà Hồng nói.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, năm 2016 vẫn có nhiều thách thức ở phía trước đối với hệ thống ngân hàng. Vì thế, bất kỳ chính sách nào của NHNN đưa ra cũng sẽ đón rất nhiều ý kiến phản hồi mạnh mẽ, áp lực từ nhiều hướng. Với vai trò cơ quan tham mưu của Chính phủ, NHNN sẽ cân nhắc và quyết định chính sách sao cho đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đảm bảo nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng “chảy” vào thị trường phải đúng liều lượng chứ không theo kiểu mất kiểm soát như giai đoạn trước. Vì thế, NHNN đang thu nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và cân nhắc về thời điểm cũng như lộ trình ban hành Thông tư 36 sửa đổi.

“Chính phủ rất quan tâm, yêu cầu kiểm soát rủi ro của bất động sản. Bức tranh rất tối của ngành ngân hàng năm 2011 vẫn còn đó mà nguyên nhân quan trọng là mất kiểm soát trong đầu tư vào bất động sản. Đó là bài học không thể quên. Nếu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì rủi ro quá. Mà rủi ro của ngành ngân hàng thì cả nền kinh tế phải gánh chịu”, bà Hồng khẳng định.

Công Quang

Dự thảo Thông tư 36: Tín hiệu cảnh báo cho các tổ chức tín dụng - 2