1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lo bất động sản "gục ngã" vì bị siết tín dụng

(Dân trí) - Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản sẽ làm giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô và làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nếu điều chỉnh thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan và tác động xấu tới toàn nền kinh tế. Do đó, việc sửa đổi điều chỉnh thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay chưa cần thiết.

"Thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Từ đó, lan tỏa đến nhiều ngành khác như thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông vận tải...Như vậy, việc giữ đà phát triển của thị trường bất động sản một cách bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của cả nước", Hiệp hội đánh giá.

Bên cạnh đó, VNREA cũng cho rằng, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học quá khứ, chưa xuất hiện hiện tượng "bong bóng" bất động sản nên chưa cần siết chặt tín dụng như giai đoạn trước.

Về dư nợ tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cũng được đánh giá là đang ở mức hợp lý, khoảng 360-380 nghìn tỷ trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 4 triệu nghìn tỷ. Như vậy tổng dư nợ tín dụng bất động sản dưới 10% trong khi đó mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp là khoảng 15%.

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam đặc biệt là các đô thị lớn, đô thị tại nông thôn còn rất nhiều. Các dự án vừa mới được hồi phục lại, tại nhiều địa phương thị trường bất động còn khó khăn nhiều. Vì vậy, nếu siết tín dụng sẽ tác động xấu đến thị trường.

"Trong giai đoạn trước đây chúng ta có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản gây nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và của người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô đối với thị trường ở Việt Nam. Điều này sẽ làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản", VNREA nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea) cũng có thông báo gửi tới các thành viên của hiệp hội này nhằm cho ý kiến gấp để góp ý sửa đổi Thông tư 36 ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo phân tích của HoRea, nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%; và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%, thì có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng.

Không những thế, HoRea còn cho rằng, việc siết tín dụng vào bất động sản chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản (có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang), và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị, và cũng sẽ tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và công ăn, việc làm của người lao động.

Ngoài ra, HoRea cũng cho biết thêm, hiệp hội đang khẩn trương có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai, và đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo là bất động sản hình thành trong tương lai để xử lý ách tắc trên thị trường bất động sản hiện nay.

Phương Dung

Lo bất động sản "gục ngã" vì bị siết tín dụng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm