Đủ mọi lực lượng, sao hàng giả vẫn “ngập” thị trường?
(Dân trí) - Số vụ bắt giữ hàng giả gia tăng, tính chất và mức độ các vụ vi phạm ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp (DN) bị làm giả ngày càng nhiều nhưng những vụ vi phạm hàng gian, hàng giả bị xử lý còn ít khiến Việt Nam đang là "mảnh đất lành" cho hàng gian, hàng giả.
Theo ông Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công An: so với các nước trong khu vực, con số các vụ phát hiện và xử lý hàng giả của chúng ta tương đương nhưng số vụ việc được phát hiện và xử lý vẫn chưa phản ánh được sự thiệt hại của người tiêu dùng, số người tiêu dùng mua phải hàng giả còn lớn hơn nhiều lần. Người tiêu dùng Việt Nam đa phần mua hàng không có hóa đơn chứng từ nên khi khiếu nại đến cơ quan chức năng thì không thể xử lý được.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân một số vụ chưa xử lý hình sự chủ yếu là vướng mắc về luật pháp. Khái niệm về “hàng giả” cho đến “hàng nhái” có nhiều văn bản khác nhau nên hiểu chung nhất về các loại mặt hàng này giữa các cơ quan thực thị như: cảnh sát, tòa án, tư pháp đều không thống nhất. Để xác định hàng giả, các cơ quan này phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý nhưng luật chưa quy định đầy đủ.
Ông Lê Thế Bảo nói thêm, muốn đấu tranh chống hàng giả thì vai trò doanh nghiệp (DN) quan trọng nhất, không ai hiểu hàng giả nhiều hơn DN. Họ hiểu đường đi nước bước của hàng giả, hàng giả được sản xuất như thế nào, nhập khẩu từ đâu? Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều DN sợ đối mặt và chống lại hàng giả vì nghĩ, nếu người tiêu dùng biết sản phẩm của mình được làm giả uy tín thương hiệu mình sẽ giảm. Nhiều DN chọn cách tiêu cực “sống chung” với hàng giả.