Bộ trưởng Công Thương:
Xăng dầu căng thẳng, rút giấy phép ngay nếu doanh nghiệp vi phạm
(Dân trí) - Bộ trưởng Công Thương cho biết, doanh nghiệp xăng dầu có chức năng nhập khẩu mà không có sản lượng nhập vào trong 6 tháng sẽ bị thu hồi giấy phép, không để tình trạng "trao quyền" mà không làm.
Có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá
Trước diễn biến phức tạp, bất ổn của thị trường xăng dầu trong nước, chiều 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp bàn giải pháp bình ổn thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ tháng 1 năm nay, thị trường xăng dầu đã có biểu hiện khác thường ngay sau khi nhà máy Nghi Sơn không cung ứng đủ lượng xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối. Các doanh nghiệp đầu mối không cung ứng đủ cho hệ thống phân phối, bán lẻ, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ.
"Chúng ta cần đảm bảo mọi tình huống để không đứt gãy nguồn cung", Bộ trưởng nói và cho rằng việc cần làm là tập trung mổ xẻ nguyên nhân, đưa ra giải pháp, điều hành để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường, phục hồi kinh tế xã hội.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, vừa qua có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán. Những cửa hàng này nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, trong thời tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường, kiểm tra giám sát để đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu. Nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng, tăng giá, tỉnh sẽ xử lý nghiêm. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Công Thương có đánh giá sát hơn nữa tình hình cung cầu thị trường, cần linh hoạt trong điều hành giá.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - thông tin sơ bộ về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước. Cụ thể, với nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía PVN, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ lên mức 100% từ 15/3. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5 năm nay.
Trong khi đó, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng lên 105%. Ngoài ra theo ông Đông, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đáp nguồn cung thiếu hụt từ trong nước nếu Nghi Sơn không đảm bảo duy trì được như kế hoạch.
Việc tạm ngừng bán hàng tại một số cửa hàng, theo ông Đông, diễn ra cục bộ tại một số địa phương phía Nam như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai. Đáng lưu ý theo ông Đông, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá, việc này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.
Để đảm bảo việc cung ứng được duy trì, ông Đông cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chủ động nguồn cung trong hệ thống. Bộ Công Thương cũng đã có công điện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Ông Đông cũng kiến nghị cần có cơ chế điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến với giá thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN cần khẩn trương, đàm phán, thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả đồng thời chỉ đạo nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung.
Rút giấy phép nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc trao quyền mà không làm
Sau phần báo cáo từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng về cơ bản thì không thiếu nguồn cung. Ông đặt ra các vấn đề về trách nhiệm của thương nhân đầu mối, phân phối cùng như tình trạng găm hàng.
Ông Diên cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần đánh giá vai trò của doanh nghiệp đầu mối, liệu được cấp phép cho việc nhập khẩu kinh doanh xăng dầu thì đã làm tốt "quyền được trao" chưa?
"Nếu doanh nghiệp đầu mối được trao quyền mà không thực hiện thì cần tức thì thu hồi. Cần đánh giá thực trạng lại xem vai trò nhập khẩu thì đã làm tốt chưa", ông Diên nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp này cần có kế hoạch nhập hàng để đảm bảo nguồn cung trên thị trường với sản lượng đạt được mức trước đại dịch cộng thêm 30-40% mới đảm bảo được giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Về việc thực hiện đúng các cam kết, quy định tại các hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng cần rà soát để đảm bảo có thực hiện đúng hay không, nếu không đúng thì cần kiên quyết xử phạt, xem xét xem có thu hồi giấy phép kinh doanh "tại trận".
"Tinh thần chung của lãnh đạo Bộ là kiên quyết thu hồi, từ cửa hàng bán lẻ đến thương nhân phân phối, đầu mối. Không chỉ xử phạt bằng tiền thôi, cần xem xét có thu ngay tại trận hay không. Hoặc nếu không thu tại trận thì cũng phải tạm đình chỉ để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Diên cho rằng, trong lúc "căng thẳng" như hiện nay không thể để tình trạng trục lợi. Nếu các đơn vị chức năng, địa phương xử lý nghiêm được tình trạng này thì thị trường sẽ "ổn". Nếu các cục quản lý thị trường địa phương, Sở Công Thương các địa phương "làm ngơ" hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm. Theo ông, thậm chí có thể sẽ tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ này.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung, Bộ trưởng Diên cũng đưa ra một số giải pháp căn cơ khác như việc nâng công suất nhà máy lọc hóa dầu. Đối với Lọc hóa dầu Bình Sơn, với việc nâng công suất lên 105%, Bộ trưởng cho rằng "vẫn chưa ăn thua", cần nâng lên mức cao nhất có thể. Còn các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu cần chủ động hơn, đảm bảo tốt vai trò của mình.
Thanh Hóa: Nguồn cung bình thường, sẽ xử nghiêm doanh nghiệp vi phạm, ngừng bán hàng
Trao đổi với Dân trí, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu tại Thanh Hóa cho biết, khoảng 1 tháng nay, lượng xăng dầu được cung cấp chỉ đủ bán hàng ngày. Không chỉ vậy, việc kinh doanh lẻ không có lãi do hoa hồng thấp không đủ bù chi. Trước thực trạng trên, nhiều cửa hàng bán lẻ dù rất muốn ngừng hoạt động nhưng vẫn phải cầm cự để giữ khách hàng và không vi phạm quy định.
Theo nguồn tin từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, đến nay, toàn bộ 577 cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu vẫn đảm bảo nguồn cung.
Ghi nhận tại các cửa hàng xăng dầu lớn tại Thanh Hóa như cửa hàng Xăng dầu Quân đội; cửa hàng đường Trần Phú; Lê Thánh Tông…, các hoạt động cung ứng xăng dầu vẫn diễn ra bình thường. Nhân viên bán hàng cho biết không có hiện tượng người dân mua xăng dầu để tích trữ.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Sở Công Thương Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đề nghị xử lý nghiêm đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu tự ý ngừng bán hàng khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở, báo cáo Sở nếu có trường hợp vi phạm xảy ra trên địa bàn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện việc mở cửa bán hàng theo đúng thời gian đã thông báo với cơ quan Nhà nước.
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Bình Minh