"Đóng cửa hàng xăng để đi đám cưới, đám giỗ thì đóng luôn đi!"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đã là kinh doanh khi lỗ khi lãi là chuyện bình thường. Đối với doanh nghiệp đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, viện cớ thì cần xử lý.

Đóng cửa hàng xăng để đi đám cưới, đám giỗ thì đóng luôn đi! - 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện tượng đóng cửa, khan hiếm cung mới chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp quyết liệt thì có thể trở thành phổ biến (Ảnh: DMS)

Tại cuộc họp về vấn đề nguồn cung xăng dầu đang rất "nóng" do Bộ Công Thương chủ trì chiều nay (9/2), một số đơn vị, đại diện các địa phương đã có kiến nghị xem xét điều chỉnh linh hoạt về giá bán. Bởi thực tế vừa qua việc điều chỉnh giá trong nước chưa sát với giá thế giới khiến cho việc cung ứng xăng dầu trở nên căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp lấy lý do lỗ nên nghỉ bán hoặc găm hàng chờ tăng giá mới bán.

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, mới đây, qua kiểm tra, tại tỉnh này có 25 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết. Các cửa hàng này lấy lý do nhân viên nghỉ, chiết khấu thấp, nguồn cung chưa ổn định, giá thế giới tăng cao trong khi giá bán trong nước thấp mà lại chưa điều chỉnh do trùng ngày nghỉ Tết… Đến ngày 7/2, theo ông Lâm, hầu hết cửa hàng đã hoạt động trở lại và bán hết xăng dầu, không nhập thêm do giá nhập cao, giá bán thấp.

Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cũng cho biết vừa qua doanh nghiệp gặp khó khăn khi chiết khấu rất thấp, việc điều chỉnh giá xăng dầu chưa kịp thời, kinh doanh lỗ.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thực tế vừa qua đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng cần điều chỉnh giá linh hoạt giá xăng dầu tiệm cận hơn với thị trường thế giới, việc điều chỉnh cần tức thì hơn. Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua do kỳ điều chỉnh giá rơi vào mồng 1 Tết nên theo quy định hiện hành thì sẽ tiến hành điều chỉnh vào kỳ mới. Đến hôm nay chỉ còn 2 ngày nữa là kỳ điều hành mới.

"Kỳ này sẽ điều chỉnh công bố giá vào ngày 11. Nhưng kỳ sau, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh linh hoạt hơn, có thể 3-5 ngày", ông Diên nói.

Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ trưởng, đã là kinh doanh khi lỗ khi lãi là chuyện bình thường. Những đơn vị được cấp phép hoạt động thì ngoài việc kinh doanh lấy lãi còn là nhiệm vụ chính trị. Đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ nếu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, viện cớ thì Bộ trưởng cho rằng cần dứt khoát rút phép. 

"Làm gì có chuyện đóng cửa hàng để đi đám cưới, đi đám giỗ. Nếu thế thì nên cho đóng luôn, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đã quy định rồi sao không thực hiện", Bộ trưởng Diên nói. Ông cho rằng đối với các cửa hàng đóng cửa do thiếu nguồn cung thì cần truy nguồn hàng, đặt vấn đề đối thương nhân phân phối, đầu mối để truy trách nhiệm.

Theo ông, ở những thời điểm như thế này, doanh nghiệp đã kinh doanh phải chấp nhận lúc lãi lúc lỗ. Đây là mặt hàng liên quan tới an ninh kinh tế, chính trị xã hội nên cần điều hành theo kỷ luật "thép".

Đáng lưu ý, Bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng về nguồn cung xăng dầu hiện nay là có hiện tượng găm hàng để trục lợi. Dẫn chứng điều này, Bộ trưởng cho biết các nguồn trong nước mặc dù công suất có giảm nhưng sản lượng bán ra vẫn tăng. Thị trường xuất hiện hiện tượng bán hàng nhỏ giọt, đóng cửa, trì hoãn với nhiều lý do để không mở cửa, thậm chí bán với giá cao hơn.

Bộ trưởng cho biết, đúng là hiện tượng này mới chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nếu chúng ta kịp thời có biện pháp quyết liệt thì trở thành phổ biến. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị đầu mối chiếm thị phần lớn - cho biết, tình hình khan hiếm xăng dầu thời gian vừa qua là hiện tượng mang tính chất cá biệt, không phải hiện tượng phổ biến trên thị trường toàn quốc, không mang tính chất đại diện về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Riêng với Petrolimex, ông Năm cho biết mấy ngày vừa qua cung ứng ra thị trường tăng hơn 30%. Song ông cũng đặt vấn đề, còn lại các thương nhân đầu mối khác cung ứng thế nào. 

"Chúng tôi đã thực hiện trách nhiệm DNNN để thực thi vấn đề này. Cũng có những rủi ro cho chúng tôi bởi nếu tiếp tục nhập khẩu giá cao, giá đảo chiều thì rủi ro rất lớn", ông Năm khẳng định, cho dù vậy doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo trong hệ thống của mình về vấn đề nguồn hàng. 

Trong khi đó, nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu những ngày qua ở một số tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo thông tin, nguyên nhân chủ yếu là Nhà máy Nghi Sơn có sự suy giảm lọc dầu dẫn đến không đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, là do giá thế giới tăng cao. Chưa kể, một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil có thể tiếp cận thị trường nhập khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận nhập khẩu khó khăn.

Ông Bảo cho biết Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Ông khẳng định đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng dầu, tuy nhiên, mức độ không đồng đều. "Các đầu mối đều có mạng lưới đảm bảo được nguồn cung. Trong khi đó, có một số thương nhân phân phối gặp khó khăn trong tiếp cận đầu vào. Về tổng thể cân đối đủ", ông Bảo thông tin.

Tuy nhiên, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo lưu ý, trong thời gian trước mắt thì vẫn đủ, nhưng cần có giải pháp tổng thể vì đến tháng 5 tới đây, chưa biết được tình hình sẽ như thế nào.