Chuyên gia Chứng khoán Shinhan Việt Nam:
Dữ liệu ESG là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp niêm yết
(Dân trí) - Việt Nam chỉ có một quỹ đầu tư ESG khoảng 14 triệu USD, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực, theo chuyên gia.
Tại hội thảo IR View chủ đề "Xanh hóa" chuỗi cung ứng, bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam - nói xu hướng đầu tư xanh đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Quy mô tài sản các quỹ đầu tư ESG tại khu vực châu Á tăng hơn 10 lần trong một thập kỷ qua, đạt hơn 58 triệu USD.
Tuy nhiên, Việt Nam đang tăng trưởng chậm hơn các nước trong khu vực. Việt Nam chỉ có một quỹ đầu tư ESG khoảng 14 triệu USD, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan (61 quỹ giá trị 1,36 tỷ USD), Malaysia (27 quỹ, giá trị 393 triệu USD).
Bà Thao Ly cho rằng dữ liệu ESG là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Mức độ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE chỉ đạt 3% trên tổng số doanh nghiệp có đánh giá ESG. Con số này, theo bà Ly, gây bất ngờ và ngạc nhiên lớn khi 44% doanh nghiệp niêm yết cam kết thực hiện ESG.
Bà này nhận định việc chủ động công bố thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận được nhiều quỹ đầu tư ESG toàn cầu hơn. Theo nghiên cứu, tổng tài sản quỹ ESG toàn cầu đạt hơn 30.000 tỷ USD (năm 2022) và dự kiến vượt 40.000 tỷ đồng vào năm 2030. Nguồn lực này là rất lớn nếu doanh nghiệp có thể tiếp cận để tăng trưởng trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ HD (HD Capital) - nói thực hành ESG rất quan trọng với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, không nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một doanh nghiệp có quản trị kém, hoạt động ảnh hưởng môi trường.
Còn ESG giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín và trách nhiệm xã hội, giảm rủi ro đầu tư, tăng cường tiềm năng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới và tiếp cận cơ hội đầu tư mới. ESG cũng giúp doanh nghiệp thu hút được dòng vốn khổng lồ từ các quỹ ESG. Khi áp dụng ESG, doanh nghiệp còn được mở ra cơ hội thay đổi công nghệ giảm rác thải, tiêu hao năng lượng.
Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Tập đoàn PAN - cho biết doanh nghiệp mình đã định hướng nâng tầm giá trị nông nghiệp từ 10 năm trước, đồng thời thực hành ESG, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Một nửa doanh thu của PAN đến từ xuất khẩu mà 90% thị trường là Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ. Vì vậy, tập đoàn buộc phải xây dựng quy trình sản xuất khắt khe, tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững.
Ông Hiệp cũng bày tỏ, phát triển bền vững hiện nay được nói đến rất hay, là xu hướng với doanh nghiệp niêm yết nhưng cách đây 10 năm, nó là câu chuyện rất lạc lõng, kể cả trong nội bộ. Tuy nhiên, đây là xu hướng bắt buộc phải làm, doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn nữa.