Làm ESG khó hay dễ, doanh nghiệp có nên thuê tư vấn?
(Dân trí) - Thực hành ESG đang dần trở thành xu thế bắt buộc với doanh nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên triển khai ESG mới đang bắt đầu manh nha tại Việt Nam và tiên phong từ các doanh nghiệp lớn.
Triển khai ESG khó hay dễ?
Thực hành ESG đang dần trở thành xu thế bắt buộc với doanh nghiệp trên toàn cầu. Khi thực hành ESG, doanh nghiệp sẽ khắc phục những yếu điểm về quản trị, tối ưu chi phí, tối ưu hóa tài nguyên. Triển khai ESG cũng giúp doanh nghiệp mở ra những cơ hội, mô hình kinh doanh mởi để từ đó tối đa hóa và giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên xu hướng này cũng gây áp lực đối với doanh nghiệp Việt vì chi phí tăng lên nhiều khi gia tăng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Ngoài ra, ESG còn là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam cũng như chưa có hành lang pháp lý cụ thể.
Chia sẻ tại Hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" do báo Dân trí tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Đức Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) cho rằng doanh nghiệp không cần quá lo lắng về việc gấp rút triển khai ESG.
Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp đang triển khai ESG, ông Minh cho rằng việc quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xác định ưu tiên. Triển khai ESG là quá trình có lộ trình từ 5-10 năm. Các đơn vị thẩm định ESG doanh nghiệp sẽ đánh giá theo lộ trình thời gian.
Ông Minh nhận định, doanh nghiệp cần xác định được những thứ tự ưu tiên trong lộ trình ESG của mình. Giai đoạn đầu tiên, các bên có thể triển khai ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Sau đó, những bước triển khai tiếp theo là các vấn đề về tài chính, cơ sở hạ tầng sản xuất.
"Các đơn vị thẩm định ESG đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện nên việc triển khai với doanh nghiệp không phải quá khó", ông Nguyễn Đức Minh nhận xét.
Trong phần tham luận tại hội nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa đánh giá có phần thận trọng hơn. Chia sẻ về lý do triển khai ESG, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi ký hợp đồng với khách hàng, việc đầu tiên họ đòi hỏi là công ty phải tuân thủ ESG, trước hết là tôn trọng quyền bình đẳng giới, thời gian làm việc. Nếu doanh nghiệp đáp ứng mới ký được hợp đồng với khách hàng.
Ông Khoa thẳng thắn nêu, ESG không phải một món thời trang mà doanh nghiệp cần xem đây là vấn đề cốt lõi, điểm khác biệt so với đối thủ. Ông đánh giá thực hiện ESG không phải dễ dàng. Vì vậy khi thực thi ESG, quyết tâm của người đứng đầu là vô cùng quan trọng.
Theo đó, lãnh đạo phải luôn xác định ESG sẽ tạo nên sức mạnh để phát huy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, cần đưa ESG vào trong tầm nhìn, vào sứ mệnh của mình. Sau khi đã xác định mục tiêu, cách thức tiếp cận, họ tập trung 4 định hướng: Quản trị xuất sắc; Tạo môi trường làm việc đẳng cấp và hạnh phúc; Môi trường xanh; Trách nhiệm vì cộng đồng.
Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Bà Phạm Thị Quỳnh Vi - Giám đốc chất lượng, Tập đoàn FPT, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của tập đoàn. Việc đầu tiên mà đơn vị này thực hiện khi triển khai ESG là đi học. Họ học hỏi từ chính các khách hàng lớn như Canon, Hitachi, Airbus, Boeing cũng như các tập đoàn công nghệ Ấn Độ.
Sau khi học hỏi từ đơn vị khác, tập đoàn này lựa chọn những yếu tố quan trọng, cần thiết và thành lập ra bộ chỉ số FPT gồm 25 chỉ số quan trọng nhất. Những chỉ số này có giá trị cốt lõi, được đo đạc, lượng hóa.
Tương tự chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khoa, bà Quỳnh Vi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người quản trị trong quyết định thực thi ESG. Thậm chí người đứng đầu còn phải đưa ra các mệnh lệnh để đạt được mục tiêu quan trọng.
Kinh nghiệm thực tế từ một doanh nghiệp nhỏ hơn triển khai ESG, ông Nguyễn Đức Minh cho rằng bước đầu tiên và quan trọng nhất là nhận thức của người lãnh đạo. Hiện nay nhiều đơn vị vẫn cho rằng đầu tư ESG gây ra lãng phí. Tuy nhiên chính hoạt động triển khai ESG lại là đang tạo giá trị cho doanh nghiệp, sản phẩm và khách hàng.
Trong bối cảnh hiện tại, chuẩn mực đạo đức của người tiêu dùng đã thay đổi và yêu cầu cao hơn về các vấn đề môi trường, xã hội. Họ không chỉ còn chọn sản phẩm chỉ dựa trên chính sản phẩm đó mà còn trên nhiều tiêu chí khác.
Sau khi nhận thức được vai trò quan trọng của ESG, doanh nghiệp cần phải xác định ưu tiên thực thi ESG. Bản chất triển khai ESG cần phải có lộ trình dài hơi từ 5-10 năm. Trong lộ trình này sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, ông Minh đánh giá bối cảnh của Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Vì vậy giải pháp phù hợp nhất hiện nay lại là hợp tác và kết nối những doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu trên cơ sở thực tế. Từ đó ông Minh nhấn mạnh vai trò của việc kết nối, chia sẻ từ Diễn đàn ESG Việt Nam để biến ý tưởng thành khả thi.
TS Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture, Giám đốc điều hành Quỹ Vì tương lai xanh, cho biết không có công thức ESG chung cho tất cả doanh nghiệp. Mỗi bên đều có đặc thù riêng về ngành nghề, quy mô, định hướng phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn đầu khi triển khai ESG, khi doanh nghiệp tự đánh giá không đủ nguồn lực nội bộ thì nên thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần làm việc sát sao để các đơn vị tư vấn hiểu sâu sắc về hoạt động kinh doanh, bản sắc của doanh nghiệp. Các bên cần làm rõ vai trò của mình trong quá trình triển khai ESG.
Bà Hà cho biết doanh nghiệp thường nghĩ rằng khi có đơn vị tư vấn tham gia thì triển khai ESG sẽ rất nhanh chóng. Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn có thể cung cấp rất nhanh kiến thức về ESG, xu thế, xu hướng triển khai ESG trên thế giới cũng như các bài học từ doanh nghiệp có mô hình hoạt động tương đương. Chủ doanh nghiệp phải dựa trên các thông tin do các đơn vị tư vấn để lựa chọn ra mô hình phù hợp với chính mình.
Chủ doanh nghiệp cần đưa ra định hướng rõ ràng, từng giai đoạn cụ thể cho đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn không thể làm giúp doanh nghiệp được. Tư vấn chỉ đóng vai trò đồng hành và doanh nghiệp là người lựa chọn, chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Đồng quan điểm với bà Thái Hà, bà Quỳnh Vi cho rằng doanh nghiệp cần bắt đầu đi từ hiện trạng, cố gắng hỏi tư vấn, tự nghiên cứu để nắm bắt hiện trạng doanh nghiệp của mình cũng như xác định các bộ phận liên quan về ESG. Sau đó, các bộ phận sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo doanh nghiệp ngồi nghe các kết quả chẩn đoán và đưa ra quyết định. Như vậy, việc này sẽ giúp doanh nghiệp bước đầu hiểu mình là ai, mình muốn đi đến đâu.