TT-Huế:
Du lịch Huế lo ngay ngáy vì sân bay Phú Bài đóng cửa
(Dân trí) - Sự kiện sân bay quốc tế Phú Bài tại Huế đóng cửa từ tháng 3/2013 không những ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ giao thông hàng không mà còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tại một địa phương có ưu thế về du lịch.
Sáng 13/11, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn để đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình sân bay Phú Bài tạm đóng cửa để sửa chữa từ tháng 3/2013 với thời gian sửa sẽ từ 6 đến 8 tháng.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: “Sân bay Phú Bài đóng cửa sẽ gây ra thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp lữ hành”.
Đồng thời, ông Thành vận động các doanh nghiệp cần phải tự cứu lấy mình và phải chủ động trước tình hình khó khăn. Theo ông Thành, việc cơ quan chức năng chậm đưa ra thông báo chính thức về đóng cửa sân bay Phú Bài đã gây khó khăn, bị động cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị lữ hành. Đây cũng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn.
Sân bay Phú Bài đóng cửa đúng thời điểm địa phương có nhiều hoạt động lớn, đặc biệt là Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức vào tháng 4/2013 nên sẽ rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Đồng thời làm kế hoạch tổ chức, sắp xếp tour du lịch của các hãng lữ hành tại Huế bị xáo trộn.
Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hương Giang cho biết: “Sân bay Phú Bài đóng cửa đã gây tổn thức rất lớn cho công ty. Tại thời điểm sân bay đóng cửa, đơn vị có 200 khách không thể xuống Phú Bài, nên dự kiến sẽ bù lỗ khoảng 50 triệu đồng chi phí trung chuyển giữa Huế và Đà Nẵng”.
“Khi sân bay Phú Bài đóng cửa, chi phí trung chuyển cho mỗi hành khách từ Đà Nẵng đến Huế khoảng 200.000 đồng. Như vậy, tổng chi phí phát sinh về trung chuyển trong một tháng có thể lên tới hàng tỷ đồng. Một điều đáng lo ngại nữa khi thực hiện phương án trung chuyển khách bằng đường bộ đó là tuyến đường từ Đà Nẵng đến Huế dài hơn 100km, phải qua 3 ngọn đèo, nhiều đoạn và cầu cống hiện bị xuống cấp đang được sửa chữa, gây ra nạn kẹt xe thường xuyên” – ông Quý cho biết thêm.
Đại diện hãng lữ hành An Phú tại Huế kiến nghị: “Để tránh những trường hợp các hợp đồng tour du lịch bị đổ vỡ sau thời gian sân bay dự kiến mở cửa trở lại, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện nghiêm ngặt kế hoạch nâng cấp như đã xác định. Nếu thời gian thi công kéo dài, không bảo đảm kế hoạch, thiệt hại mà doanh nghiệp du lịch gánh chịu là vô cùng lớn”.
Đại diện của Resort 5 sao Ana Mandara tại Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho hay: “Nếu sân bay đóng cửa, tổn thất chắc chắn sẽ rất lớn, không chỉ với khu nghỉ mát biển cao cấp chúng tôi, bắt nguồn thiệt hại về mặt kinh doanh. Đầu tiên, nhiều hợp đồng đã ký có thể sẽ hủy, chưa nói đến các hợp đồng mới và các khách lẻ đặt phòng. Với nguồn doanh thu giảm đột ngột, trong khi vẫn giữ vững tiêu chuẩn cao cấp dành cho khách hàng là một khó khăn. Nhiều khía cạnh khác trong vấn đề hoạt động cũng bị ảnh hưởng như vấn đề đầu tư, đảm bảo đời sống cho người lao động và nhiều hệ lụy kéo dài khác nữa. Chắc chắn tất cả ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ lao đao trong thời gian dài.
Chúng tôi kiến nghị, nên chăng UBND tỉnh tìm các biện pháp và tiêu chí cụ thể để tạo các điểm đến thật sự thu hút trong tỉnh, bên cạnh việc nâng cấp dịch vụ tàu hỏa. Nên có những chuyến tàu hỏa du lịch đúng giờ, vệ sinh thật tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ trong việc đón và tiễn khách đến nơi lưu trú từ các tỉnh lân cận. Đồng thời, đốc thúc và rút ngắn tiến độ sửa chữa đường băng. Có thể chia ca tăng cường làm vào ban đêm, tăng cường nhân lực sửa chữa, đảm bảo chất lượng công trình. Để làm sao sân bay đóng cửa trong thời gian ngắn nhất hoặc thậm chí không nhất thiết phải đóng cửa”.
Các doanh nghiệp cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình hình khó khăn. Biện pháp trước mắt đó là tăng cường các dịch vụ trung chuyển khách để giải tỏa khách đến Huế khi xuống sân bay Đà Nẵng và ngược lại.
Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp cho rằng nên tăng cường hoạt động đường thủy và đường bộ. Theo ông Thành, cần tổ chức một trung tâm đầu mối để điều hành hành khách đến Huế qua sân bay Đà Nẵng, nhằm cung cấp thông tin đi lại, đặc biệt là đối tượng khách lẻ không đi theo tour.
“Các doanh nghiệp không nên đè nặng vấn đề sân bay Phú Bài đóng cửa và nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực. Hãy chủ động tìm kiếm cơ hội và tìm cách khai thác hoạt động du lịch theo nhiều hướng khác nhau, cánh cửa này đóng sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Ông Nguyễn Quốc Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế nhắn nhủ tới các doanh nghiệp du lịch trong thời điểm khó khăn này.