Dư gần 2.800 tỷ đồng quỹ bình ổn, giá xăng dầu vẫn đứng ở mức cao

(Dân trí) - Giá xăng dầu liên tiếp giảm cộng với việc xả quỹ đã dừng trong các kỳ điều hành gần đây khiến Quỹ bình ổn giá xăng dầu tồn dư khá lớn, lên tới gần 2.800 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2015.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục tồn dư hàng nghìn tỷ đồng từ đầu năm nay.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục tồn dư hàng nghìn tỷ đồng từ đầu năm nay.

Số liệu được Bộ Tài chính công bố chiều 5/11 cho thấy, tính đến thời điểm 30/9, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tổng hợp theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là 2.776,368 tỷ đồng.

Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm 30/6 là 1.794, 400 tỷ đồng. Như vậy, tổng số trích Quỹ trong quý III lên tới 1.189,513 tỷ đồng.

Trong quý này, số tiền được trích từ quỹ cho việc bình ổn giá là 355,315 tỷ đồng. Số lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 2,822 tỷ đồng.

Theo lý thuyết, khi giá xăng dầu thế giới giảm thấp, cơ quan điều hành yêu cầu doanh nghiệp đầu mối trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) với mục đích “để dành” nhằm có nguồn dự trữ để ứng phó khi giá tăng cao. Đến thời điểm, giá xăng dầu tăng cao, quỹ bình ổn sẽ được xả để tránh cho giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc.

Mặc dù phía cơ quan điều hành liên tục khẳng định, Quỹ bình ổn là một giải pháp cần thiết và phù hợp, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng giới chuyên gia thì cho rằng, cơ chế vận hành quỹ chưa ổn, gây nhiễu giá, dễ bị ăn gian, lợi dụng. Việc trích lập hàng nghìn tỷ đồng với mục đích “để dành” cũng được cho là nguyên nhân khiến giá xăng trong nước khó có cơ hội giảm sâu, ngay cả trong thời điểm giá thế giới xuống rất thấp.

Giới chuyên gia nhiều lần đưa ra khuyến nghị nên bỏ quỹ bình ổn bởi về bản chất quỹ này hoàn toàn không cần thiết và không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Trao đổi với báo chí, PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng, vận hành Quỹ bình ổn giá hiện nay dẫn đến tình trạng điều hành giá xăng chưa “thỏa đáng” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức “bỏ tiền ra cho người khác giữ” trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp bán được nhiều hàng, thu về nhiều tiền nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã tăng lên, điển hình như Quỹ bình ổn của Petrolimex giữa hai lần điều hành giá xăng dầu (3/10 và 19/10) tăng tới 110 tỷ đồng (đạt 1.940 tỷ đồng).

“Doanh nghiệp xăng dầu đã chi ra ít hơn và thu về nhiều hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu”, ông Long nói.

Có chuyên gia thậm chí còn đưa ra ý kiến cho rằng, trong diễn biến thị trường như hiện tại cùng với số dư hiện có, cơ quan điều hành hoàn toàn có thể dừng trích quỹ để giá xăng trong nước giảm xuống mức thấp hơn.

Phương Dung

Dư gần 2.800 tỷ đồng quỹ bình ổn, giá xăng dầu vẫn đứng ở mức cao - 2