1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự báo xu hướng hàng hóa và thương hiệu Việt từ triển vọng xuất khẩu online

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, đã đưa ra loạt nhận định về triển vọng của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam năm 2023.

Diện mạo xuất khẩu online Việt Nam năm 2022

Việt Nam là một trong những nước mở cửa sau Covid-19 sớm nhất. Quá trình phục hồi của doanh nghiệp Việt diễn ra ngay sau đó với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và nhiều bên. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đối diện với một số thách thức toàn cầu, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thói quen và nhu cầu mua sắm trực tuyến sau dịch.

Dự báo xu hướng hàng hóa và thương hiệu Việt từ triển vọng xuất khẩu online - 1
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ về các xu hướng và cơ hội cho xuất khẩu online thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới (Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam).

2-3 năm Covid-19 cũng là lộ trình cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trên toàn thế giới trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online, từ sản xuất, gia công sang xây dựng và làm chủ thương hiệu. Qua đó để giảm bớt các chuỗi trong quá trình xuất khẩu, tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước biến động khó lường của môi trường kinh doanh chung. Trong đó, thương mại điện tử đang dần trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Alphabeta, thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy tiềm năng lớn về quy mô tăng trưởng tại Việt Nam trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 20%/năm.

Báo cáo Hoạt động trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) tại Việt Nam của Amazon năm 2022 cũng cho thấy một năm khởi sắc của hoạt động xuất khẩu online tại Việt Nam thông qua Amazon. Tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt qua Amazon năm 2022 tăng 45%.

Dư địa xuất khẩu online vẫn còn rất lớn khi mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Triển vọng và xu hướng của nền kinh tế xuất khẩu online 2023

Xuất khẩu online là sự kết hợp của toàn cầu hóa (globalization) và số hóa (digitalization), tức là doanh nghiệp tham gia toàn cầu hóa theo con đường số thay vì hình thức truyền thống.

Tại Việt Nam, không chỉ dừng lại ở một khái niệm hay xu hướng kinh doanh mới, thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất khẩu online hứa hẹn là điều "bình thường mới" cho các doanh nghiệp Việt Nam, động lực của nền kinh tế xuất khẩu.

2023 có thể chứng kiến thêm nhiều nhà sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương hiệu Việt Nam tham gia Amazon nếu nhìn thấy cơ hội tham gia thị trường quốc tế được hỗ trợ bởi cải tiến công nghệ.

Việc bán hàng trên Amazon không chỉ là kênh tăng doanh thu, mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Người bán hàng Việt Nam sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu mà vẫn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Khi xây dựng mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp trực tiếp bán hàng cho khách quốc tế, để có được sự tăng trưởng bền bỉ và dài lâu, họ phải xây dựng được thương hiệu riêng, như hạt điều Lafooco, rong nho Trường Thọ, ống hút thân thiện môi trường EQUO...

Sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp nằm ở việc mô hình phát triển của doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh và đủ sức phục hồi trước những biến động của môi trường chung quanh.

Việc chuyển đổi số và nâng cấp số liên tục sẽ là một trong những xu hướng và yêu cầu quan trọng nhất, bao gồm số hóa, thông minh hóa cơ sở hạ tầng và thiết bị sản xuất, số hóa quy trình quản lý, và cả tính linh hoạt, khả năng thích ứng trong sản xuất.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại cơ hội để thay đổi mạnh mẽ cách thức các doanh nghiệp hình thành, vận hành và phát triển.

Mô hình thương mại kỹ thuật số mới này tạo ra những giá trị mới trên thị trường toàn cầu, hướng tới mang các "Thương hiệu Việt Nam" ra toàn cầu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới với sự hỗ trợ của công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng góp phần giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt xây dựng tầm nhìn dài hạn lẫn khả năng thích ứng nhanh nhạy với thị trường. Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, nền kinh tế mở cửa và tuần hoàn, công nghệ sẽ mang lại sức mạnh và tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thế giới.

Dự báo xu hướng hàng hóa và thương hiệu Việt từ triển vọng xuất khẩu online - 2
Tọa đàm tại Tuần lễ Thương mại điện tử xuyên biên giới 2022 ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các bên gồm nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, doanh nghiệp trong nước và Amazon Global Selling để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam (Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam).

Với vai trò là nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023, Amazon Global Selling sẽ tập trung vào năm trọng tâm chiến lược tại Việt Nam. Cụ thể là nâng cao nhận thức và mức độ sẵn sàng gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; khuyến khích nhà bán hàng Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu; tăng cường giới thiệu và phổ biến về các giải pháp hậu cần toàn cầu của Amazon; nâng cao trải nghiệm của các đối tác bán hàng thông qua việc cập nhật các cải tiến dịch vụ, các nội dung đào tạo nhà bán hàng; kết nối cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân để hỗ trợ tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.