Dự án Trung Quốc tại Venezuela “đút túi” trăm triệu USD nhưng dân địa phương thất nghiệp, chết đói
(Dân trí) - Một doanh nghiệp của nhà nước Trung Quốc đang làm ăn tại Venezuela thì phát triển thịnh vượng và “đút túi” hàng trăm triệu USD trong khi người dân địa phương được hứa hẹn có việc làm, có cơm ăn thì đang chết đói.
Venezuela và Trung Quốc đã ký hàng trăm dự án để giúp đất nước Nam Mỹ này phát triển. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào đầu tư, sự phát triển của Venezuela dường như vẫn chỉ là con số 0. Một dự án trồng lúa gạo trị giá 200 triệu USD là minh chứng cho sự hợp tác vá víu và không hữu dụng này.
Theo đó, dự án này được cho là có ý nghĩa cứu sống hàng triệu người.
Tại Delta Amacuro, một vùng xa xôi thuộc Venezuela nằm trên vùng biển Caribbean, một công ty xây dựng khổng lồ của nhà nước Trung Quốc đã ký một thỏa thuận táo bạo với cố Tổng thống Hugo Chávez.
Theo đó, công ty nhà nước này sẽ xây dựng những cây cầu và con đường mới, một phòng thí nghiệm thực phẩm và nhà máy chế biến gạo lớn nhất ở Mỹ Latinh.
Hiệp ước được ký kết vào năm 2010, với Công ty China CAMC Engineering, sẽ phát triển cánh đồng lúa rộng gấp đôi Manhattan và tạo công ăn việc làm cho 110.000 cư dân địa phương, theo bản sao hiệp ước mà Reuters đưa tin.
Một địa phương kém phát triển là nơi lý tưởng để thể hiện cam kết trao quyền cho người nghèo của chính phủ Venezuela. Và thỏa thuận này sẽ cho thấy ông Chávez và người kế nhiệm cuối cùng của ông, Tổng thống Nicolás Maduro, có thể làm việc với Trung Quốc và các đồng minh khác để phát triển các khu vực ngoài những mỏ dầu của Venezuela.
“Sức mạnh của gạo! Sức mạnh nông nghiệp!”, ông Chávez đã đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
Nhưng 9 năm sau, người dân địa phương vẫn đói. Một số ít hoạt động đã được thực hiện và nhà máy này mới chỉ xây dựng được một nửa, tiến hành được ít hơn 1% sản lượng dự kiến của nó.
Đáng nói, dự án này thậm chí chưa trồng được 1 hạt gạo nào tại địa phương, theo hàng loạt những người tham gia hoặc có kiến thức về vấn đề này cho biết.
Tuy nhiên, Công ty CAMC của Trung Quốc và một số đối tác chọn lọc của Venezuela thì phát triển thịnh vượng và “đút túi” hàng trăm triệu USD.
Cụ thể, Venezuela đã trả cho CAMC ít nhất 100 triệu USD vì hoạt động bị đình trệ, theo hợp đồng dự án và các tài liệu tòa án niêm phong từ một cuộc điều tra của các công tố viên ở châu Âu.
Nhà máy sản xuất gạo của Trung Quốc mới chỉ xây dựng được một nửa, tiến hành được ít hơn 1% sản lượng dự kiến của nó.
Hàng ngàn trang tài liệu của tòa án được Reuters xem xét đã được nộp tại Andorra, một quốc gia ở châu Âu nơi các công tố viên cho rằng những người Venezuela liên quan đến dự án đã tìm cách rửa tiền rồi đút lại vào túi mình để giúp bảo đảm hợp đồng. Các tài liệu về thỏa thuận này với Trung Quốc, lần đầu tiên được Reuters đưa tin, bao gồm lời khai bí mật, băng nghe lén, hồ sơ ngân hàng và các tài liệu khác.
Tháng 9 năm ngoái, một thẩm phán tòa án cấp cao tại Andorra đã cáo buộc rằng CAMC đã trả hơn 100 triệu USD tiền hối lộ cho nhiều trung gian khác nhau của Venezuela để bảo đảm dự án lúa gạo và ít nhất 4 hợp đồng nông nghiệp khác được tiến hành.
Theo đó, bản cáo trạng buộc tội 12 người Venezuela với nhiều tội danh bao gồm rửa tiền và âm mưu rửa tiền.
Đáng nói, các nhà điều tra cho biết, trong số những người bị truy tố có ông Diego Salazar, anh em họ của một cựu bộ trưởng dầu mỏ Venezuela, đã cố gắng ký kết các hợp đồng này.
16 người thuộc các quốc tịch khác cũng bị buộc tội và ít nhất 4 người Venezuela khác, 1 trong số họ trước đây là đại sứ tại Bắc Kinh và hiện là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước ở London, cũng đang bị điều tra, theo các tài liệu.
Bản cáo trạng, tên của những người bị buộc tội và liên kết của họ với các công ty Trung Quốc đã được đưa tin vào năm ngoái bởi tờ El País, một tờ báo Tây Ban Nha.
Một đánh giá của Reuters về các hồ sơ vụ án vẫn đang được niêm phong ở Andorra, cho thấy CAMC và các công ty Trung Quốc khác đã tạo mối quan hệ với nhiều người bị buộc tội và trả tiền để đạt được các dự án thường không được phê duyệt.
Kết quả, theo các công tố viên, là một đường dây khổng lồ, được trả tiền thông qua các tài khoản nước ngoài, trong đó các trung gian là người Venezuela đã nhận hối lộ và cuối cùng làm tê liệt các dự án bị bỏ rơi của đất nước.
Hồng Vân
Theo Reuters