Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng có đang được “hợp thức hóa”?
(Dân trí) - Một số nhà khoa học phản ánh dư luận cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng không có trong quy hoạch sông Hồng từng bị người dân phản đối.
Chiều nay 2/8, trong văn bản trả lời báo chí về vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nói trên vì chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng đã giao Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.
Cũng theo thông tin từ ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân”.
Căn cứ đề nghị của Bộ TNMT, ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định đề cương của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, “trong đó, quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng”, ông Dũng lưu ý.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) có chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình), có vốn pháp định trong đăng ký kinh doanh là 1.200 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư dự án là 24.510 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70% tổng vốn đầu tư, với lãi suất được tạm tính khoảng 9% đối với nội tệ và 4% đối với ngoại tệ.
Mục tiêu của dự án, theo hồ sơ của chủ đầu tư, là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng, kết nối đồng bộ với tuyến vận tải thủy Hải Phòng - Việt Trì, tuyến Hà Nội - Lạch Giang (đã và đang đầu tư theo dự án WB 6 của Bộ GTVT).
Theo dự kiến ban đầu của chủ đầu tư, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tầu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì - Lào Cai (chiều dài 288 km); kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp điện lượng hàng năm khoảng 912 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, xây dựng thêm 7 cảng dọc tuyến, bao gồm Cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).
Về địa điểm đầu tư, tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện sẽ thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.
Dự án sử dụng đất xây dựng các công trình đường thủy, công trình cảng thủy nội địa, công trình thủy điện, công trình phụ trợ phục vụ quản lý khai thác. Bên cạnh đó, dự án sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng để điều tiết phục vụ giao thông thủy kết hợp chạy máy phát điện.
Dự án này dự kiến được thực hiện trong 6 năm (2016 - 2021). Theo tính toán của chủ đầu tư, dự án này sẽ có thời gian hoàn vốn, kể cả thời gian xây dựng 25 năm với lợi nhuận thuần khoảng 1.296 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng đưa ra đề xuất “ưu đãi” như hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu, bảo dưỡng công trình. T
Theo đó, chủ đầu tư đề xuất 5 năm đầu mức giá là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo nâng lên mức 2.380 đồng/kWh và các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 - 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn muốn được miễn thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng (điều này Bộ Tài chính cho rằng không đúng với quy định của pháp luật hiện nay và đề nghị, nếu dự án được cho phép thực hiện, phải thuân thủ quy định hiện hành về các nghĩa vụ thuế, phí này); miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi hoàn vốn. Mức phí luồng, tuyến và phí qua âu được điều chỉnh theo thời gian.
Bích Diệp