Dự án gang thép đội vốn lên 8.104 tỷ đồng: Ông Vũ Huy Hoàng làm sai những gì?

(Dân trí) - Theo cơ quan thanh tra, Bộ Công Thương đã ký văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.104 tỷ đồng mặc dù trước đó các bộ ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư. Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ này có trách nhiệm gì?

Dự án gang thép đội vốn lên 8.104 tỷ đồng: Ông Vũ Huy Hoàng làm sai những gì? - 1

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương. Ảnh: Internet.

Không có cơ sở tăng vốn đầu tư, Bộ Công Thương vẫn cố tình?

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án TISCO II.

Ông Vũ Huy Hoàng, bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương; các nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng Lê Dương Quang và Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là phù hợp với yêu cầu thực tế, tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Công Thương cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan khác đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỷ đồng, tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỷ đồng. Hiện lãi vay của dự án này vẫn phải trả 40 tỷ đồng/tháng.

Điểm đáng lưu ý, đến nay dự án “ngốn” hàng tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành. Năm 2014, nhà thầu dừng thi công, dự án “đắp chiếu” nhưng vẫn cõng số lãi vay khổng lồ.

Nguyên nhân đẩy dự án này rơi vào tình trạng trên, theo Thanh tra Chính phủ, là do xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm của lãnh đạo công ty này và nhiều bộ ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Công Thương không hề nhỏ.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Bộ Công nghiệp (trước đây), Bộ Công Thương chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, đã có những khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp (trước đây) không yêu cầu TISCO, VNS lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định, thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án (nguồn vốn, nguyên liệu, cơ sở xác định tổng mức đầu tư…).

Dự án gang thép đội vốn lên 8.104 tỷ đồng: Ông Vũ Huy Hoàng làm sai những gì? - 2

Người dân chụp ảnh ông Vũ Huy Hoàng đi rút tiền ở một chi nhánh ngân hàng. Ảnh: K.M

Bộ này cũng có trách nhiệm khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở. Bên cạnh đó, có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện phần C, cho phép TISCO được điều chỉnh chi phí thực hiện Phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền.

Cũng chính Bộ này có ý kiến chấp thuận đề nghị của TISCO, ký hợp đồng với Vinaincon, các nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, hợp đồng EPC.

Trong khi đó không thẩm tra mà sử dụng số liệu của Vinaincon, trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chi phí phát sinh phần C không đúng với hợp đồng EPC.

Đáng chú ý, kết luận của cơ quan thanh tra cũng nêu rõ việc Bộ Công Thương ký văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.104 tỷ đồng mặc dù trước đó các bộ ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.

Trách nhiệm của cơ quan Chính phủ trong vụ "đội" vốn

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc tăng tổng mức đầu tư tại dự án này.

Cụ thể, trong khi các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn ban hành văn bản số 3136 ngày 22/4/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án theo quy định hiện hành đảm bảo hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc ngân hàng Việt Nam và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…”.

Điều này dẫn đến việc TISCO cho rằng tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nên đến tháng 3/2015, Hội đồng quản trị TISCO đã ra nghị quyết tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công thương và TISCO, tháng 11/2014 Văn phòng Chính phủ đã trình Phó Thủ tướng Chính phủ ký văn bản thể hiện nội dung “tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỷ đồng”.

Từ đó, cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan của Chính phủ… kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến dự án sang Bộ Công an để điều tra. Ngoài ra, chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nguyễn Khánh