Dự án "đội vốn" hàng trăm lần: Đại biểu kiến nghị khống chế tỷ lệ tăng mức đầu tư
(Dân trí) - Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, tránh tình trạng có những dự án sau nhiều lần điều chỉnh, tăng lên nhiều lần, thậm chí trăm lần
Thảo luận về Luật Đầu tư công, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng), thực trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được thực hiện nhiều lần đối với một dự án làm thay đổi tính chất, quy mô của dự án, thậm chí không đúng mục tiêu dự án ban đầu đề ra. Do đó, cần quy định trường hợp nào được phép điều chỉnh, tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện, liên tục đã xảy ra trong thời gian qua.
"Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, ví dụ: không quá 20% tổng mức đầu tư ban đầu, tránh tình trạng có những dự án sau nhiều lần điều chỉnh, tăng lên nhiều lần, thậm chí trăm lần", ông Sơn kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết, hiện nay tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án còn nhiều thiếu sót dẫn đến cần điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, điều chỉnh nhiều lần và điều chỉnh giá trị lớn.
"Điển hình như kết quả kiểm toán nhà nước đối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần, tăng 147,9 tỷ đồng, dự án ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng 3.956 tỷ đồng. Do đó, việc điều chỉnh dự án cần phải quy định chặt chẽ, sớm khắc phục tình trạng như hiện nay", bà nói.
Theo đại biểu, dự thảo luật quy định các trường hợp được cấp thẩm quyền thực hiện điều chỉnh dự án quy định do các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh.
"Quy định như vậy là thiếu chặt chẽ, tạo ra khe hở lách luật và chưa làm rõ nguyên nhân bất khả kháng là nguyên nhân nào", bà Tuyết nhấn mạnh.
Cụ thể, bà Tuyết cho rằng, khi thực hiện sẽ thiếu nhất quán và cũng như cố tình vận dụng để đưa vào đối tượng là bất khả kháng để điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, quy định về hiệu quả tài chính còn chung chung thiếu cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thẩm định vì thực tế hiệu quả tài chính để đánh giá không chỉ trên cơ sở hiệu quả về lợi nhuận mà còn thể hiện qua chất lượng tài chính, chất lượng quản trị cũng như quản trị rủi ro của tài chính.
"Việc điều chỉnh dự án là rất phức tạp, là khe hở hiện nay gây bất ổn về quản lý vốn đầu tư công. Đề nghị Ban soạn thảo quy định để điều chỉnh dự án chặt chẽ, cụ thể, phù hợp để tránh tạo khe hở lách luật ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư công", bà nói.
Ngoài ra, theo đại biểu, chủ đầu tư dự án được cấp quyền giao chủ trì trực tiếp quản lý dự án đầu tư công, giữ vai trò quyết định tiến độ và hiệu quả các dự án. Tuy nhiên, luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư còn quá sơ sài vô thưởng vô phạt, chỉ mới quy định liên quan đến lập dự án, chưa bao hàm hết các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
"Thực tế, các dự án được triển khai tại các địa bàn cơ sở nên phát sinh rất nhiều vướng mắc, từ khâu lập chương trình dự án đến giải pháp thi công, thiếu sự chủ động tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư thiếu tích cực hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương, nhiều công trình đã rơi vào luẩn quẩn nhiều năm, triển khai chậm và gây bức xúc trong nhân dân", bà nêu.
Phương Dung