1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam

(Dân trí) - Đài kiểm soát không lưu Nội Bài (Hà Nội) - nơi những kiểm soát viên không lưu được ví như những “cảnh sát trên trời” đang “cân não” và dốc sức điều hành hàng nghìn chuyến bay cất-hạ cánh trong cao điểm Tết, đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không.

“Sửa soạn” cho mỗi chuyến bay

Chúng tôi tới Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đúng dịp Tết cận kề và ghi nhận cường độ làm việc cao, tác phong công tác chuyên nghiệp của các kiểm soát viên không lưu đang đảm nhiệm hoạt động điều hành bay tại phân khu Thủ đô - vùng trời hàng không có ý nghĩa quan trọng nhất về chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam

Trao đổi với PV Dân trí, anh Mai Đình Cương - Kíp phó Tiếp cận tại sân Nội Bài - cho biết: Đài kiểm soát tại sân được chia làm 3 bộ phận: Cấp phát huấn lệnh cho tổ lái trong quá trình điều hành máy bay trên đường dài; kiểm soát mặt đất; kiểm soát tại sân. Ba bộ phận này được kết nối, đồng bộ chặt chẽ, đảm bảo cho máy bay từ khi nổ máy, lăn ra đường băng và cất cánh. Sau khi máy bay cất cánh thì việc điều hành được chuyển cho cơ quan kiểm soát tiếp cận.

“Hiện nay, sân bay Nội Bài có hơn 600 chuyến bay cất-hạ cánh mỗi ngày, kiểm soát viên không lưu phải làm nhiệm vụ 24/24h. Công tác điều hành bay được chia làm nhiều ca trực/ngày, mỗi kíp trực có 12 người. Một kiểm soát viên không lưu có thời gian làm việc không quá 12 tiếng trong 1 ca trực, tuy nhiên thời gian làm việc thực tế của kiếm soát viên không lưu là khoảng 7-8 tiếng/ngày, mỗi phiên trực làm việc không quá 2 tiếng tại 1 vị trí điều hành” - anh Cương nói.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 1
Toàn cảnh Đài tiếp cận tại sân
“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 2
Anh Mai Đình Cương - Kíp phó Tiếp cận tại sân Nội Bài

Theo Kíp phó Tiếp cận tại sân Nội Bài, thông thường quy trình điều hành 1 chuyến bay bao gồm 4 giai đoạn: Chuẩn bị, cất cánh, bay bằng và tiếp cận hạ cánh. Trên suốt hành trình, máy bay luôn được kiểm soát chặt chẽ bởi kiểm soát viên không lưu. Một dây chuyền kiểm soát không lưu có 3 bộ phận chính: Đài kiểm soát tại sân, cơ sở kiểm soát tiếp cận và Trung tâm kiểm soát đường dài.

Trước 1 chuyến bay, tổ lái sẽ nhận các thông tin cần thiết cho chuyến bay như đường cất-hạ cánh, điều kiện thời tiết. Sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin, tổ lái sẽ điều khiển máy bay từ vị trí đỗ ra đường cất-hạ cánh và thực hiện cất cánh theo sự điều hành của kiểm soát viên không lưu tại sân. Sau khi cất cánh, máy bay sẽ chịu sự điều hành của cơ sở kiểm soát tiếp cận, khi máy bay đạt được độ cao thích hợp (khoảng 3.000m) thì cơ sở kiểm soát tiếp cận sẽ chuyển giao việc kiểm soát máy bay cho Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 3
Kiếm soát viên không lưu quan sát máy bay qua ống nhòm từ Đài tiếp cận tại sân
“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 4

Một nữ kiểm soát viên đang trao đổi với tổ lái của chuyến bay sắp hạ cánh...

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 5

... ghi lại những thông tin, huấn lệnh điều hành bay 

“Nhiệm vụ chính của kiểm soát viên không lưu ở Đài kiểm soát tại sân là dẫn dắt máy bay từ nhiều hướng khác nhau di chuyển tuần tự theo cự ly tối thiểu, đưa máy bay vào khu vực tiếp cận và hạ cánh. Cùng đó, các kiểm soát viên không lưu cũng dẫn dắt các máy bay khởi hành nhanh chóng lấy được độ cao hoặc bay theo vệt bay mong muốn trước khi bước vào giai đoạn bay đường dài” - anh Cương cho hay.

Những “cảnh sát” trên trời

Ghi nhận tại trung tâm điều hành, các kiểm soát viên liên tục phát đi các huấn lệnh điều hành bay bằng tiếng Anh và tập trung cao độ để tính toán phân cách giữa các máy bay nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, đồng thời hướng dẫn phi công về độ cao, hướng bay, cung cấp cho tổ lái các thông tin về thời tiết, hoạt động tại sân bay và hỗ trợ phi công xử lý các tình huống phát sinh.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 6
Một bộ phận khác đang thực hiện công việc điều hành chuyến bay
“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 7
Các kiểm soát viên liên tục phát đi các huấn lệnh điều hành bay bằng tiếng Anh và tập trung cao độ để tính toán phân cách giữa các máy bay

Trên hệ thống điều hành không lưu, radar liên tục quét tìm, định vị vị trí của các máy bay đang hoạt động trong sân bay cũng như trong vùng trời khu vực trách nhiệm. Máy bay di chuyển tới đâu thì các thông số liên quan như tọa độ vị trí, hướng bay, độ cao bay sẽ ngay lập tức cập nhật và hiển thị trên màn hình máy tính của kiểm soát viên không lưu. 

Được biết, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài có hệ thống 7 trạm radar thứ cấp, sơ cấp và nhiều trang thiết bị hiện đại khác được kết nối đồng bộ trên cả nước, nhằm phục vụ cho công tác đối không, dẫn đường cho máy bay. 

Giới hàng không vẫn nói đùa rằng, kiểm soát viên không lưu giống như những Cảnh sát giao thông, chỉ khác là làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông ở trên trên, ngăn ngừa các va chạm giữa các máy bay và giữa máy bay với các chướng ngại vật.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 8

Sự tập trung cao độ khi điều hành bay của một kiểm soát viên không lưu

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 9

Trên hệ thống điều hành không lưu, radar liên tục quét tìm, định vị vị trí của các máy bay đang hoạt động trong sân bay cũng như trong vùng trời khu vực trách nhiệm

“Mỗi chuyến bay chở theo hàng trăm hành khách và khối tài sản lớn, vì vậy ngoài các yếu tố chuyên môn, kiểm soát viên không lưu phải luôn bình tĩnh, cẩn thận và tinh nhanh, khả năng làm việc nhóm và quyết đoán, đặc biệt là khi xử lý những tình huống khẩn nguy. 

Khi máy bay bay trên trời, có rất nhiều tình huống khẩn nguy có thể xảy ra như “không tặc”, có thể là hỏng động cơ, cháy động cơ, máy bay xuống khẩn cấp, mất radar, máy bay không liên lạc được... Tất cả những tình huống đó đều có các phương án ứng phó” - Kíp phó Mai Đình Cương chia sẻ. 

Trong hoạt động hàng không, khi xảy ra mưa dông, sương mù hay diễn biến thời tiết xấu... sẽ gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của phi công và khó khăn trong khai thác, khi đó áp lực đối với kiểm soát viên không lưu đường dài rất lớn.

“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 10
“Đột nhập” nơi kiểm soát những chuyến bay trên vùng trời quan trọng nhất Việt Nam - 11
Nhiệm vụ của các kiểm soát viên không lưu là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những chuyến bay

Đặc thù của hàng không là trong bất kỳ tình huống nào thì máy bay vẫn phải duy trì hoạt động, máy bay không thể dừng lại như các phương tiện dưới mặt đất để tránh trú hoặc xử lý ngay lập tức. Do đó, kiểm soát viên không lưu giữ vai trò là đầu mối điều hành phải bình tĩnh điều hành phân cách máy bay và nhanh chóng đưa ra các phương án kịp thời nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.

Bài: Châu Như Quỳnh

Ảnh + video: Toàn Vũ