Đột biến giao dịch gần 106 triệu cổ phiếu VNDirect trong đà bán tháo

Mai Chi

(Dân trí) - Áp lực bán tháo mạnh đã có lúc đẩy VND về mức giá sàn, tuy nhiên, tại vùng giá này, VND được nhà đầu tư mua vào rất mạnh lên tới 13,4 triệu đơn vị.

Phiên giao dịch chiều nay (6/7), các chỉ số diễn biến tiêu cực với phần lớn cổ phiếu giảm giá. VN-Index đóng cửa mất 8,4 điểm tương ứng 0,74% còn 1.126,22 điểm trong khi HNX-Index giảm 2,76 điểm tương ứng 1,21% và UPCoM-Index giảm 0,32 điểm tương ứng 0,38%.

Thanh khoản tăng vọt đẩy tổng khối lượng giao dịch toàn phiên trên HoSE lên 921,1 triệu cổ phiếu tương ứng 18.604,9 tỷ đồng và trên HNX là 109,1 triệu cổ phiếu tương ứng 1.698,1 tỷ đồng.

Trong phiên chiều nay, VND gây chú ý với khớp lệnh "khủng" lên tới 105,9 triệu đơn vị trong khi giá giảm 6,5% xuống còn 18.050 đồng, áp sát mức giá sàn 17.950 đồng.

Thanh khoản của VND ở mức kỷ lục trong lịch sử giao dịch của mã này. Trước đó, trong phiên sáng, VND vẫn đang còn giao dịch loanh quanh vùng giá tham chiếu.

Đột biến giao dịch gần 106 triệu cổ phiếu VNDirect trong đà bán tháo - 1

Thống kê cho thấy khối lượng cổ phiếu VND được giao dịch ở mức giá thấp rất lớn (Nguồn: VDSC).

Áp lực bán tháo mạnh đã có lúc đẩy VND về mức giá sàn, tuy nhiên, tại vùng giá này, VND được nhà đầu tư mua vào rất mạnh lên tới 13,4 triệu đơn vị; có 10,4 triệu cổ phiếu được mua tại mức giá 18.000 đồng.

VND cũng là mã có diễn biến tiêu cực nhất trong nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính. SSI, HCM, VCI và BSI vẫn tăng giá, các mã còn lại điều chỉnh nhưng mức giảm không lớn.

Chưa rõ nguyên nhân khiến VND bị bán mạnh, song không loại trừ có liên quan đến thông tin CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam - công ty con của Trung nam Group vừa công bố dời ngày thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu TRECB2223001 từ ngày 30/6 sang 4/8. Trong đó, 1.500 tỷ đồng là gốc trái phiếu và 86 tỷ đồng là lãi. VNDirect chính là đơn vị đăng ký, lưu ký của lô trái phiếu trên.

Cổ phiếu ngành ngân hàng không ủng hộ chỉ số khi STB giảm 2,7%; VPB giảm 2%; nhiều cổ phiếu giảm trên biên độ 1% như VIB, HDB, VCB, TCB, EIB, ACB, MBB. Trong khi đó, SSB vẫn tăng 4,8% và TPB tăng nhẹ.

Ngành tài nguyên cơ bản chứng kiến sự diễn biến tích cực của PTB khi mã này tăng trần lên 52.000 đồng và khớp lệnh đạt 2,4 triệu cổ phiếu. APG cũng tăng 3%; KSB tăng 2,5%; DHM tăng 1,9%. HPG tăng nhẹ lên 27.000 đồng, khớp lệnh đạt 27,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngành xây dựng vật liệu có một phiên tiêu cực khi nhiều mã giảm mạnh. LGC, TTB giảm 5,7%; TCR và CIG giảm 5%; VSI giảm 4,3%; TGG giảm 4,3%; EVG giảm 4,2%; HBC và CII cùng giảm 4%.

Về nhóm cổ phiếu "họ" APEC, trong khi API tăng nhẹ 1,4% thì 2 mã còn lại là IDJ và APS vẫn giảm sàn. IDJ giảm sàn về 6.200 đồng với khớp lệnh 11,7%, trắng bên mua; còn APS giảm sàn về 6.900 đồng, khớp lệnh đạt 9,2 triệu đơn vị.