1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đồng Rúp Nga mất giá mạnh nhất trong 16 năm

(Dân trí) - Hôm qua (1/12), đồng Rúp Nga có phiên mất giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở nước này năm 1998. Có thời điểm đồng tiền này sụt giá khoảng 9% so với đồng USD trước khi chốt phiên ở mức giảm xấp xỉ 4%.

Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Giới quan sát nhận định, Ngân hàng Trung ương Nga có thể đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn không cho đồng nội tệ giảm giá sâu hơn. “Chắc là Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp”, một nhà giao dịch nói với hãng tin Reuters.

“Có lẽ họ đã phải chi hàng tỷ USD để cứu tỷ giá phiên này”, nhà phân tích Tim Ash thuộc ngân hàng Standard Bank phát biểu trên tờ Telegraph.

Mặc dù, Ngân hàng Trung ương Nga không bình luận gì về vấn đề này.

Vào cuối ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12, tỷ giá đồng Rúp giảm 3,9% so với đồng USD, còn 52,45 Rúp đổi 1 USD và giảm 3,8% so với đồng Euro, còn 65,39 Rúp tương đương 1 USD.

Giá dầu giảm chóng mặt được cho là một nguyên nhân quan trọng khiến đồng Rúp Nga mất giá mạnh. Giá dầu thô Brent hôm qua tại thị trường London đã chạm mức đáy của 5 năm, với 69,6 USD/thùng. Giá dầu  duy trì đà giảm mạnh sau khi Trung Quốc công bố thống kê kém khả quan và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuần trước tuyên bố không cắt giảm sản lượng hôm 27/11.

Đến cuối phiên giao dịch, giá dầu phục hồi mạnh, với giá dầu Brent tăng 3% và giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng 4%. Tuy vậy, sự phục hồi này không giúp đồng Rúp thoát một ngày mất giá mạnh.

Theo các chuyên gia, cú sốc từ quyết định của OPEC đồng nghĩa với việc thị trường đang phản ánh khả năng dầu thô sẽ rẻ trong một thời gian kéo dài. Dự báo này dẫn tới việc đánh giá lại giá trị tài sản Nga. Dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga và một nửa nguồn thu ngân sách liên bang của nước này.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng Rúp đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 50 Rúp đổi 1 USD. Cho tới gần đây, hầu như ít ai có thể tưởng tượng đồng tiền này lại mất giá tới vậy. Từ giữa năm tới nay, đồng Rúp đã mất giá khoảng 35%.

“Đồng Rúp chỉ có thể được hỗ trợ nếu giá dầu ổn định trở lại. Các yếu tố khác không có nhiều ý nghĩa quan trọng”, nhà giao dịch Igor Zenlentsov thuộc ngân hàng Globex Bank nhận định trong một báo cáo. Theo nhà giao dịch này, với mức giá dầu như hiện tại, đồng Rúp có thể giảm giá tới mức 53-55 Rúp đổi 1 USD.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định thả nổi đồng Rúp thay vì đưa ra một biên độ giao dịch cho tỷ giá đồng nội tệ. Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga chưa có động thái can thiệp nào tiếp theo vào thị trường ngoại hối mà chỉ nói là sẽ can thiệp nếu sự mất giá của đồng Rúp đe dọa sự ổn định tài chính.

Bởi vậy, nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.

Cách đây 10 hôm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói, các biện pháp kiểm soát vốn sẽ không được áp dụng. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, với tình hình hiện nay, không thể loại trừ khả năng Moscow sẽ phải dùng tới các biện pháp kiểm soát dòng vốn để ngăn sự tháo chạy của các dòng tiền.

Hiện một số ngân hàng Nga đã bắt đầu áp hạn chế rút ngoại tệ ở ngưỡng 10.000 USD.

Phương Anh
Tổng hợp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm