Đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay

(Dân trí) - Kể từ ngày mai 18/3, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm trước đây. Cùng với đó, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm và lãi suất huy động ngoại tệ USD giảm xuống mức 1%/năm.

Các mức lãi suất chủ chốt sẽ giảm thêm 1% từ ngày mai
Các mức lãi suất chủ chốt sẽ giảm thêm 1% từ ngày mai

Chiều nay 17/3, Ngân hàng Nhà nước đã họp báo công bố các quyết định điều chính các mức lãi suất chủ chốt. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm hiện nay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cùng với đó, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm so với mức 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thánh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàngtừ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm hiện nay.

Song song với việc cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.. cũng được NHNN điều chỉnh giảm 1%, từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Như vậy, sau gần 9 tháng và cũng là lần đầu tiên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành. Bước giảm 1%/năm ở trần lãi suất huy động VND là khá mạnh, nhưng phù hợp với diễn biến trên thị trường hiện nay. Trong 8 lần điều chỉnh trước đó, các quyết định đưa ra chỉ khi lạm phát cho tín hiệu rõ ràng. Sự thận trọng đó cũng hạn chế những xáo trộn trên thị trường, cũng như hạn chế tác động bất lợi đối với nguồn vốn trong hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013); thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trước và sau dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ; lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động sản suất - kinh doanh vẫn còn khó khăn.

Theo đánh giá của TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LiênViệtPostBank, việc Ngân hàng Nhà nước đồng loạt hạ các mức lãi suất chủ chốt là “hợp lý với các chỉ số kinh tế 3 tháng đầu năm”.

Trần lãi suất huy động giảm xuống 6%/năm, liệu thị trường ngân hàng có xảy ra hiện tượng người dân đi rút vốn ra đầu từ vào các kênh khác như chứng khoán hoặc bất động sản không? TS.Nguyễn Đức Hưởng cho rằng: “Có nhưng không nhiều vì Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ lãi suất dưới 6 tháng, còn 6 tháng trở lên vẫn được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận. Tôi đánh giá, vốn gửi ngắn hạn tại các ngân hàng sẽ tạm thời được rút ra để lướt chứng khoán, dự báo chỉ số chứng khoán hôm nay có thể tăng đột biến vì thông tin hạ lãi suất”.

Về khả năng lãi suất huy động có thể giảm tiếp để hỗ trợ lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp, TS.Nguyễn Đức Hưởng cho rằng: “Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm tiếp, nếu chỉ số giá cả vài tháng tới vẫn hạ”.

Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt, kể từ sau Tết đến nay, nhiều ngân hàng cũng đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, sau động thái liên tiếp giảm lãi suất huy động VND từ các nhà băng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm mạnh và dao động quanh mức 6,5%/năm ở cả kỳ hạn ngắn và dài.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, khả năng ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới. Bởi, việc giảm lãi suất huy động sẽ là động thái tích cực để nhà băng cắt giảm chi phí vốn vay trong bối cảnh cho vay khó khăn, qua đó kích thích doanh nghiệp vay vốn.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước