1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Động cơ 2 thì” 40.000 tỷ đồng của Masan thêm thịt mát, doanh thu tăng mạnh

(Dân trí) - Ngành thịt và đồ uống tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho mục tiêu doanh thu trên 40.000 tỷ đồng của Masan.

Trên đường trở thành “Vinamilk ngành thịt”

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) có nhiều điểm đáng chú ý. Doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2019 là 26.378 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,9% và 2,2% ở 9 tháng đầu năm2019 và quý III/2019. Nguyên nhân chính liên quan đến dịch tả lợn châu Phi (ASF) và giảm do giá vonfram thấp và tồn kho đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty trong hoạt động kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm đạt 2.459 tỷ đồng, tăng 5,6% so với mức 2.328 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018.

“Động cơ 2 thì” 40.000 tỷ đồng của Masan thêm thịt mát, doanh thu tăng mạnh - 1

Khoản bồi thường thắng kiện tương đương 3.000 tỷ đồng trước Công ty Jacobs E&C Australia (Jacobs) sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng, giúp Masan cải thiện được cơ cấu nguồn vốn và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mỏ Núi Pháo. Đáng chú ý, Masan Resources đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck: bước đi chiến lược để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD. Việc trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram “midstream” sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị công ty, do các sản phẩm vonfram công nghệ cao có giá bán cao hơn 30-50% so với các sản phẩm APT hiện tại.

“Động cơ 2 thì” 40.000 tỷ đồng của Masan thêm thịt mát, doanh thu tăng mạnh - 2

Dấu ấn được thị trường quan tâm nhất là sự thuận lợi của nền tảng kinh doanh mới Masan MEATLife (MML) với thương hiệu thịt mát MEATDeli. Cho đến thời điểm này, MEATDeli hiện đã có mặt tại hơn 320 điểm bán tại TP.HCM và Hà Nội và đang trên đà đạt mục tiêu có mặt tại 650 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm nay. Doanh thu thuần MEATDeli đạt 69,3 tỷ đồng vào quý III/2019, tăng 4 lần so với quý II/2019.

Kể từ tháng 6.2019 cho đến cuối tháng 9.2019, doanh thu thuần trung bình mỗi tháng tăng 31%. Công ty kỳ vọng ​​doanh thu thuần tháng 12/2019 sẽ đạt mức 120 tỷ đồng, tương đương với doanh thu thuần cả năm là 1.500 tỷ đồng. Masan nhiều lần tuyên bố muốn đưa MEATDeli trở thành “Vinamilk trong lĩnh vực thịt” và kỳ vọng đến năm 2022, MeatDeli có thể chiếm 10% thị phần thịt heo tại Việt Nam và mang về doanh thu từ 1 - 2 tỷ USD, biên lợi nhuận EBITDA đạt 18 - 22%.

“Động cơ 2 thì” 40.000 tỷ đồng của Masan thêm thịt mát, doanh thu tăng mạnh - 3

Hiện nay đối thủ lớn của Masan MEATLife là các công ty như Cargill, C.P Vietnam, Greenfeed, Anova Corp, Dabaco, De Heus... Tuy nhiên, với lợi thế về công nghệ chế biến thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu BRC đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này, điểm bán, chuỗi 3F hoàn thiện và sự hấp dẫn của ngành hàng mới, MML đang đi đúng hướng để đạt được doanh thu 500 tỷ đồng vào quý IV/2019. Đáng chú ý, Masan có kế hoạch niêm yết cổ phiếu MML trên thị trường UPCoM cũng trong quý IV.

Trong tháng 10, Masan đã bán 1,8 triệu cổ phiếu MML cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước và vẫn nắm giữ gần 80% tổng số cổ phiếu MML. Báo cáo tài chính năm 2018 của MML cho thấy công ty có vốn cổ phần hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương với việc công ty đang được định giá khoảng 1 tỷ USD. Việc đưa cổ phiếu lên UPCoM cũng là bước đi chiến lược góp phần đưa MML đạt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2022-2023. Điều này cũng nhất quán với chiến lược tổng thể của Masan Group nhằm niêm yết tất cả các Công ty thành viên trên các sàn giao dịch chính trong năm 2022-2023.

Đồ uống tăng trưởng chóng mặt

Với sự hợp lực của thương hiệu MEATDeli, Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa. Doanh thu được kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2019 khi sản phẩm cao cấp được tung ra, dự kiến đóng góp tăng trưởng 15% ở quý IV/2019 so với quý IV/2018.

Danh mục đồ uống của Masan Consumer tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt: quý III/2019 tăng 37,3% so với cùng kỳ, nhờ vào tăng trưởng 42,6% ở các sản phẩm nước tăng lực và 25,2% ở nước uống đóng chai so với cùng kỳ năm trước. Mảng nước tăng lực tiếp tục phát triển nhờ vào tăng trưởng hơn 30% của thương hiệu WakeUp 247 và thương hiệu Compact bắt đầu đạt lực kéo khi được hỗ trợ bởi phạm vi phân phối gia tăng và các SKU mới. Tăng trưởng doanh thu của nước đóng chai được thúc đẩy nhờ tăng sản lượng 13% và tăng giá ở một số SKU lớn trong ngành hàng.

“Động cơ 2 thì” 40.000 tỷ đồng của Masan thêm thịt mát, doanh thu tăng mạnh - 4

Do đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu danh mục đồ uống tăng trưởng 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm cao cấp đóng góp 11% vào cuối quý II/2019 và dự kiến sẽ tăng lên 12% với sự ra mắt thành công của sản phẩm nước mắm Nam Ngư Phú Quốc. Các thông tin xuất khẩu nhiều sản phẩm của Masan sang thị trường Nhật đã hỗ trợ doanh số bán hàng tăng mạnh. Hạt nêm tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, chiếm gần 14% thị phần doanh số vào tháng 9/2019.

Mặc dù điều kiện thị trường không thuận lợi, biên lợi nhuận gộp tăng 165 điểm cơ bản trong 9 tháng đầu năm 2019 so với 9 tháng đầu năm 2018, và tăng 274 điểm cơ bản trong quý 3/2019 so với quý III/2018, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn. Tối ưu hóa đầu tư SG&A cũng khiến tỷ suất lợi nhuận EBITDA tăng đáng kể, tăng 279 điểm cơ bản trong 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước. Công ty sẽ tiếp tục hợp lý hóa các nguồn chi và phát triển mô hình hoạt động hiệu quả hơn nhằm đạt được biên lợi nhuận hoạt động bền vững ở mức 2 chữ số.

Từ nay đến cuối năm, doanh thu thuần của mảng thịt mát dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% vào doanh thu thuần hợp nhất của MML, đến từ đà tăng trưởng mạnh mẽ, sự phát triển hệ thống kênh phân phối và ra mắt các sản phẩm giá trị gia tăng mới. Masan Consumer có doanh thu thuần dự kiến tăng từ 10 - 15%. Động lực chính đến từ chiến lược cao cấp hóa ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, tăng trưởng 2 chữ số trong ngành thức uống và thịt chế biến.

Với hai động lực tăng trưởng chính này, Masan dự kiến doanh thu hợp nhất sẽ từ 40.000 - 42.000 tỷ đồng trong năm 2019, và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông vào khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Chúng ta đang tiến đến vạch đích của năm 2019 và tôi tin bài toán chiến lược sẽ được giải đáp vào cuối năm nay. Bức tranh sẽ rõ ràng và cho thấy lý do vì sao chúng tôi lạc quan vào triển vọng năm 2020 và xa hơn. Tại Masan, chúng tôi tập trung nguồn lực để tạo ra các giá trị mạnh mẽ trong trung hạn cho người tiêu dùng và cổ đông, thay vì theo đuổi các giá trị ngắn hạn hàng quý.”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm