“Đóng băng” biệt thự Tam Đảo; bầu Kiên 3 lần thoái vốn không thành
(Dân trí) - Thông tin cơ quan điều tra đề nghị tạm ngừng mọi giao dịch đối với biệt thự Tam Ðảo của Trịnh Xuân Thanh được xem là thông tin đáng chú ý trong tuần. Ngoài ra, việc bầu Kiên 3 lần xin thoái vốn khỏi VietBank không thành cũng rất thu hút bạn đọc.
Hơn 1.500 tỷ đồng bầu Đức cho công ty vay là tiền của ai?
Thông tin do Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cung cấp đã tiết lộ khoản 1.557,5 tỷ đồng mà ông Đoàn Nguyên Đức cho tập đoàn này vay, nhưng thực ra là khoản phải trả đối với Thaco Trường Hải.
Tổng giám đốc HAG Võ Trường Sơn cho biết: “Đây là khoản tiền mượn tạm và đã được hoàn trả trong tháng 8/2018 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi”. Cũng theo thỏa thuận đầu tư và hợp tác toàn diện, trái chủ là Thaco cam kết sẽ chuyển đổi gói trái phiếu này thành vốn vào ngày đáo hạn là 3/8/2019.
Số chênh lệch còn lại sẽ được HAG dùng nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để bổ sung.
Bầu Kiên chật vật trong quyết tâm thoái sạch vốn khỏi VietBank
Chỉ trong một thời gian ngắn, bầu Kiên liên tục 3 lần đăng ký thoái hết cổ phần đang nắm giữ tại VietBank. Tuy nhiên, trong khi người thân thoái vốn thành công thì việc rút lui của bầu Kiên khỏi ngân hàng này khá chật vật.
Trước đó, hồi giữa tháng 8/2018, bầu Kiên cũng đã đăng ký bán hết số cổ phiếu này song bất thành do chưa thực hiện xong thủ tục lưu ký chứng khoán theo quy định.
Trong đợt này, bầu Kiên cũng đăng ký chuyển nhượng hơn 6,6 triệu cổ phiếu VBB nhưng không thành công.
Trong nhóm cổ đông có liên quan tới bầu Kiên tại VietBank, nhiều thành viên khác cũng đã thực hiện việc thoái sạch vốn khỏi ngân hàng này.
Lỗ công ty mẹ tăng gấp 3 sau soát xét của kiểm toán
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018 đã được soát xét bởi công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam.
Đáng chú ý, mức lỗ thuộc về công ty mẹ sau soát xét lên tới 34,5 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với báo cáo tự lập.
Tại báo cáo, kiểm toán viên nhấn mạnh, ngày 30/06/2018, nợ ngắn hạn của HAG đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.429 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng tại ngày này, HAG đã vi phạm một số điều khoản vay và trái phiếu.
“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, kiểm toán viên nhận định.
Đại gia Phú Yên và cú sa lầy “nghìn tỷ”, tương lai mịt mờ
Công ty Cổ phần Thuận Thảo (mã chứng khoán GTT) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm đã được soát xét bởi Công ty kiểm toán AASCN.
Theo đó, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đến 30/6/2018 đã tăng lên 1.159,4 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.322 tỷ đồng. Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Tương tự như công ty của bầu Đức, các kiểm toán viên cũng lưu ý: “Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty".
40 tuổi tưởng giàu hơn bầu Đức, tỷ phú trẻ đã vội “rớt đài”
Giá trị tài sản cổ phiếu của đại gia chứng khoán sinh năm 1978 ở thời điểm đỉnh cao lên tới gần 3.900 tỷ đồng, giàu hơn cả bầu Đức. Tuy nhiên ở thời điểm này, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược.
Do cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 chốt phiên ngày 27/8 ghi nhận giảm kịch sàn 13.600 đồng, đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong phiên cuối tuần trước, thị giá còn 181.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tại mã này rất thấp, chỉ hơn 26 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.
Diễn biến của YEG tiêu cực sau khi công ty này công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 312,8 tỷ đồng.
"Ðóng băng" biệt thự Tam Ðảo của Trịnh Xuân Thanh
Trong khi điều tra vụ án kinh tế - tham nhũng tại PVTEX, CQĐT xác định, năm 2009, Tổng Cty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Cty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) ký hợp đồng thi công một số hạng mục thuộc Dự án nhà máy Polyester Đình Vũ. Quá trình thực hiện, Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch kiêm TGĐ PVC.KBC đề xuất và được Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC cho tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định.
Thay vì dùng số tiền này vào dự án Polyester, Đỗ Văn Hồng đã mua 3.400m2 đất tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đứng tên chủ sở hữu là PVC.KBC. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Hồng làm thủ tục chuyển mảnh đất này cho Cty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỷ đồng nhưng “nợ” 3 tỷ đồng.
Để hợp thức việc tạm ứng sai quy định, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển 21 tỷ đồng trong số 25 tỷ đồng tạm ứng sai thành tiền PVC góp vốn vào PVC.KBC. Theo điều tra, hành vi của Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT không đủ điều kiện kết luận nội dung này.
Cú chốt “phút 90”, “ông trùm” hàng tiêu dùng thu ngay hàng trăm tỷ đồng
Cổ phiếu MSN của Masan Group suốt cả phiên sáng ngày 31/8 chỉ loanh quanh mốc 92.000 đồng. Tuy nhiên, những phút cuối phiên, mã này bất ngờ “bốc đầu” tăng mạnh 6.000 đồng tương ứng 6,6% lên 97.000 đồng/cổ phiếu và góp vào cho chỉ số tới 2,17 điểm.
CTCP Masan do ông Nguyễn Đăng Quang hiện vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là Tổng giám đốc đang sở hữu 377.595.870 cổ phiếu MSN, chiếm 35,85% vốn điều lệ Masan Group.
Như vậy, trong phiên giao dịch hôm qua, với mức tăng của MSN, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quang đã tăng thêm 2.265,6 tỷ đồng lên 36.626,8 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD).
Thế Hưng