Đại gia Phú Yên và cú sa lầy “nghìn tỷ”, tương lai mịt mờ
(Dân trí) - Lỗ luỹ kế của Thuận Thảo đến 30/6/2018 đã tăng lên 1.159,4 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.322 tỷ đồng. Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Công ty Cổ phần Thuận Thảo (mã chứng khoán GTT) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm đã được soát xét bởi Công ty kiểm toán AASCN.
Tại bản báo cáo này, kiểm toán viên đã nhấn mạnh đến một số vấn đề về tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính nửa đầu năm của Thuận Thảo.
Theo đó, công ty này phát sinh khoản lỗ thuần sau thuế trong kỳ lên tới 79,3 tỷ đồng. Qua đó, nâng lỗ lũy kế đến 30/6/2018 lên 1.159,4 tỷ đồng. Với con số này, lỗ của Thuận Thảo đã vượt quá vốn chủ sở hữu.
Cũng tại ngày 30/6, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.322 tỷ đồng. Khoản cho vay, lãi cho vay đã quá hạn thanh toán chưa thu hồi 453,6 tỷ đồng, các khoản vay đến hạn trả và lãi vay chưa thanh toán 1.205,9 tỷ đồng, các khoản thuế và lãi phạt chậm nộp thuế 126,7 tỷ đồng.
“Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, kiểm toán viên lưu ý.
Trong khi đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Thuận Thảo vẫn đang được lập với giải định công ty này sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục.
Chật vật bán nợ
Thừa nhận chịu áp lực về mặt thanh khoản, ông Võ Hoàng Chương, Phó Tổng giám đốc Thuận Thảo cho biết, ban lãnh đạo công ty này đang làm việc với các nhà đầu tư để chuyển nhượng tài sản của các dự án để trả nợ cho các ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng để chuyển nhượng, mua bán các tài sản đã thế chấp để trả nợ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Chương, Thuận Thảo đang làm việc với các công ty mua bán nợ để thực hiện mua bán các khoản nợ liên quan đến các ngân hàng, xây dựng chiến lược trung và dài hạn cho việc tái cơ cấu tài chính.
Mục tiêu của Thuận Thảo là từng bước tăng cường năng lực tài chính nhằm duy trì khả năng kiểm soát đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị thụ động vào nguồn vốn và có thêm nguồn vốn để tái cấu trúc, đầu tư sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp các lĩnh vực còn lại tạo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh…
“Với những biện pháp này, ban lãnh đạo công ty tin rằng tình hình rủi ro về thanh khoản sẽ được kiểm soát và cải thiện”, ông Chương khẳng định. Vì vậy, báo cáo tài chính của Thuận Thảo đã không bao gồm các bút toán điều chỉnh liên quan đến khả năng thu hồi và việc phân loại các khoản mục tài sản đã hạch toán hoặc việc phân loại các khoản mục công nợ có thể cần thiết trong trường hợp không thể tiếp tục hoạt động trên cơ sở kinh doanh liên tục.
Mới đây, buổi đấu giá tài sản của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại BIDV đã không thể tổ chức theo kế hoạch ban đầu do không có ai đăng ký và nộp tiền đặt cọc trước hạn chót 23/8. Chính vì vậy, phiên đấu giá tiếp theo đã phải lùi sang ngày 20/9, giá khởi điểm được điều chỉnh xuống còn 1.147 tỷ đồng để “hấp dẫn” hơn.
Khoản nợ này trước đó được VAMC rao bán với giá 1.208 tỷ đồng. Khoản nợ có tổng dư nợ gốc và lãi vay tính đến ngày 30/6 hơn 2.378 tỷ đồng, được đảm bảo bằng trụ sở doanh nghiệp tại quận 1, hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu GTT.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTT hiện chỉ dao động quanh mức 300 đồng đến 400 đồng. Mã này đã bị đưa vào diện kiểm soát và bị hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thuận Thảo - bà Võ Thị Thanh từng được tôn vinh vì nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng Thuận Thảo trở thành công ty nghìn tỷ. Bà được vinh danh là “bông hồng vàng”. Thế nhưng, tham vọng tăng trưởng nhanh với việc lấn sâu vào bất động sản đã khiến Thuận Thảo phải trả giá đắt, sa lầy trong thua lỗ nợ nần.
Bích Diệp