“Đón sóng” dịch chuyển đầu tư FDI: Làm sao để Việt Nam thành “bến đỗ”?
(Dân trí) - Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Câu hỏi được đặt ra là làm sao tận dụng được cơ hội này một cách hiệu quả để Việt Nam trở thành “bến đỗ” và các DN Việt thực sự khẳng định được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Tăng “chất” đầu tư
Tại buổi Tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" tổ chức tại Tập đoàn Sunhouse mới đây, các chuyên gia và đại diện nhiều DN cho rằng, với tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, sẽ có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có việc giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam. Câu chuyện là phải có giải pháp nào để lần đón vốn này được tiến hành một cách có chất lượng và hiệu quả.
Từ những bài học từ chính hoạt động kinh doanh của mình, Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.
Tại Tập đoàn Sunhouse, năm 2003, công ty nhận đầu tư của Hàn Quốc nhưng người Việt vẫn nắm quyền kiểm soát. Sau đó, Sunhouse, từ một thương hiệu của Hàn Quốc, được mua lại và trở thành thương hiệu Việt. “Ba xu hướng dịch chuyển được xác định là dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển vốn của công ty mẹ và dịch chuyển đơn hàng. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng là nhanh, sớm và dễ đón nhận nhất. Các DN Việt cần xem xét để thấy mình phù hợp với xu hướng nào nhằm chuẩn bị các điều kiện đón nhận”- ông Phú nói.
Đồng tình với quan điểm, dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất tại Việt Nam là một gợi ý để các DN Việt tận dụng cơ hội đầu tư gữa thời Covid-19, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.
Có “sóng”, doanh nghiệp làm gì để đón sóng?
Theo TS. Phan Hữu Thắng- Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, phần lớn bây giờ vẫn nghĩ, chúng ta chiến thắng Covid-19 là chúng ta có hết rồi, cứ thế là người ta vào thôi. Nhưng mọi thứ không dễ như vậy". Ông Thắng lấy ví dụ, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, đã có sự chuyển dịch rồi, nhưng chúng ta hay nghĩ là chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Song, những con số thống kê thì không nói lên điều đó. Xu hướng chuyển dịch ở đây, theo ông Thắng, là chuyển dịch toàn cầu.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được các mục tiêu nhất quán và lâu dài trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các mục tiêu này theo TS. Phan Hữu Thắng là xây dựng nền kinh tế tự cường; đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.
Nói về các giải pháp tổng thể, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả hơn, tất cả đều phải cùng chuyển động. “Cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động thế nào để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công”- GS Nguyễn Mại nhấn mạnh. Ngoài ra, GS Nguyễn Mại cho rằng, trong lựa chọn nhà đầu tư, nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ- người ta cần mình và mình cần người ta, hai bên gặp nhau”.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Sunhouse cho hay, bản thân Sunhouse đã phải thay đổi rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội. “Sunhouse đã chuyển từ mô hình từ chạy theo số lượng sang chất lượng. Chúng tôi còn phải thuê chuyên gia từng làm nghiên cứu và phát triển của Cuckoo sang làm việc với mức lương ngang ngửa HLV Park Hang Seo để thay đổi toàn diện"- Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh.
Cùng với đó Sunhouse cũng đầu tư thêm nhiều nhà máy mới để hoàn thiện chuỗi tự cung ứng của doanh nghiệp, gia tăng giá trị thương hiệu. Điển hình như nhà máy mạch Narae Sunhouse System ban đầu cũng được liên doanh Hàn Quốc để ông Phú học hỏi về công nghệ, thị trường và sau này đã thuộc sở hữu của Sunhouse. Với bước đi mạnh dạn này, Sunhouse sẽ chủ động hơn trong việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như Điều hòa, máy lọc nước, nồi cơm điện tử… Các công ty cần sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao cũng là đối tác thường xuyên của của nhà máy này.
Trường Thịnh