Dồn dập sáp nhập ngân hàng: Cuộc “soán ngôi” của "ông lớn"
Rõ ràng, sau một loạt thương vụ đã và đang thực hiện, trật tự trong hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi với sự“lên hạng” của nhiều“ông lớn”.
Thời gian gần đây, thị trường tài chính chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng. Xu hướng này “diễn ra mạnh mẽ” kỳ vọng sẽ khiến thị trường thêm nhiều kịch tính, làm thay đổi thứ hạng và thị phần các ngân hàng tham gia thị trường ngân hàng.
Sau thương vụ BIDV sáp nhập MHB, VietinBank sáp nhập PGBank, mới đây nhất Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sẽ “về một nhà” với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Sacombank diễn ra sáng 11/7 đã chính thức công bố chấp thuận của NHNN về Đề án sáp nhập Southern Bank vào nhà băng này.
Sau thương vụ sáp nhập này, Sacombank sẽ vượt lên đứng đầu trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần với vốn điều lệ trên 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản lên đến 290.861 tỷ đồng. Cần phải nói thêm rằng, thực tế, kể cả khi chưa sáp nhập với Southern Bank, nhà băng này vẫn luôn nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất tại Việt Nam (bao gồm: Sacombank, Techcombank, ACB, Eximbank, MB).
Tính chung cả khối ngân hàng quốc doanh, sau khi các thương vụ sáp nhập thành hình, thứ hạng của các nhà băng cũng đã dần thay đổi. Nếu tính về mặt tổng tài sản,Sacombank sau sáp nhập sẽ xếp thứ 5 tại Việt nam và chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Rõ ràng, sau một loạt thương vụ đã và đang thực hiện, trật tự trong hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi với sự“lên hạng” của nhiều“ông lớn”. Quá trình tái cấu trúc cũng cho thấy sự thay đổi lớn khi ngân hàng sau sáp nhập sẽ nắm trong tay một mạng lưới tầm cỡ mà không phải một sớm một chiều có thể xây dựng được.
Theo lãnh đạo Sacombank, Sacombank sau sáp nhập sẽ có gần 16.000 nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, cùng đội ngũ quản lý có nhiều kinh nghiệm. Mạng lưới hoạt động cũng lên tới 567 điểm giao dịch trên cả nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT Sacombank phát biểu tại Đại hội.
"Đây là ưu thế không phải đối thủ nào trong ngành cũng có được và kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng sau sáp nhập có thêm nhiều điều kiện tiếp cận với khách hàng ở nhiều khu vực, theo đuổi chiến lược đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ. Không những thế, Sacombank có kế hoạch sáp nhập kỹ và chu đáo nên có thể giúp việc chuyển giao, hòa nhập diễn ra nhanh chóng. Nhờ vậy, ngân hàng sau sáp nhập dễ dàng đi vào ổn định”, lãnh đạo nhà băng này cho hay.
Những năm gần đây, phương thức sáp nhập - mua lại rất phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tiến hành tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Đến nay, hàng loạt thương vụ sáp nhập đã được hoàn thành như: Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng hợp nhất) thì được hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank)…
Theo nhiều chuyên gia, sáp nhập và mua lại là phương thức phổ biến của hầu hết các quốc gia khi tiến hành tái cấu trúc ngành ngân hàng. Phương thức này có ưu điểm là ít tốn kém, đồng thời giữ được quyền sở hữu ngân hàng.
Bên cạnh đó, sáp nhập và mua lại là mô thức quen thuộc để các ngân hàng có cơ hội vươn mình lên những bước phát triển mới. Nổi bật như nền tài chính Mỹ có hai đại gia ngân hàng nổi tiếng là Wells Fargo và JPMorgan Chase đều trải qua khoảng 40 cuộc sáp nhập và mua lại.
Đối với các trường hợp cụ thể như thương vụ giữa Sacombank và Southern Bank, việc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo ra các ngân hàng có quy mô lớn hơn, giúp tăng hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Sacombank cũng tận dụng ưu thế nhằm giải quyết có hiệu quả những khó khăn mà Southern Bank đang gặp phải.
"Cứ sau mỗi lần như vậy, các ngân hàng này lại không ngừng lớn mạnh và nay là những ngân hàng khủng lồ trong ngành tài chính thế giới”, giới chuyên gia nhìn nhận.
PV