1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dồn dập biến động sau khi lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu "họ" FLC bị bán tháo

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi thượng tầng doanh nghiệp xáo trộn mạnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị bắt, cổ phiếu FLC và ROS đối diện nguy cơ hủy niêm yết, "họ" FLC bị bán mạnh.

Theo thông báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART), vào ngày 27/6 tới, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Tại phiên họp này, công ty sẽ trình ĐHĐCĐ chính thức miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với các cá nhân liên quan đến vụ thao túng giá cổ phiếu FLC bị khởi tố gần đây. Trước đó, bà Hương Trần Kiều Dung - Chủ tịch Chứng khoán BOS - đã bị miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT kể từ ngày 8/4 và bà Trịnh Thị Thúy Nga - Thành viên HĐQT bị miễn nhiệm từ ngày 5/4. Cả 2 nhân vật này đều đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Dồn dập biến động sau khi lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu họ FLC bị bán tháo - 1

Bà Hương Trần Kiều Dung trước khi bị bắt là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS (Ảnh: FLC).

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Chứng khoán BOS cũng nhận được đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 của bà Phan Thị Bích Phượng.

Trong phiên họp tới, ĐHĐCĐ Chứng khoán BOS sẽ tiến hành bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT và một thành viên Ban kiểm soát nhằm đảm bảo quy định theo pháp luật.

Công ty cũng trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu đạt doanh thu thuần 110 tỷ đồng và lãi trước thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 35% so với thực hiện năm 2021. Đồng thời, Chứng khoán BOS dự kiến hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ do xảy ra nhiều biến động trong thời gian vừa qua.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã thông báo triệu tập phiên họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 10/6 nhằm thông qua miễn nhiệm và bầu bổ sung HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung không còn đủ điều kiện giữ chức vụ thành viên HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 sau khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam.

HĐQT FLC còn dự trình việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026. Chức vụ thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Nguyễn Chí Cương, bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Đăng Vụ bị miễn nhiệm. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ART cũng như các mã cổ phiếu khác trong hệ sinh thái FLC đang trải qua chuỗi giao dịch đầy bất lợi những phiên gần đây.

Trong phiên hôm qua (7/6), ART giảm 7,5% còn 4.900 đồng/cổ phiếu, chỉ còn cách mức sàn 100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, AMD, FLC, HAI, ROS đồng loạt giảm sàn, trắng bên mua; KLF cũng giảm 5,6% xuống còn 3.400 đồng/cổ phiếu, áp sát mức sàn 3.300 đồng/cổ phiếu.

Dồn dập biến động sau khi lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu họ FLC bị bán tháo - 2

"Họ" cổ phiếu FLC bị bán mạnh trong ngày 7/6 (Ảnh chụp màn hình).

Từ ngày 1/6 vừa qua, các cổ phiếu FLC, ROS và HAI đã bị HoSE đưa từ diện "kiểm soát" sang "hạn chế giao dịch" do chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trong văn bản giải trình sau đó, FLC và FLC Faros cho biết, doanh nghiệp chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp nên chưa thể nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 theo đúng quy định.

Ngoài ra, FLC Faros chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật do chưa nhận được phản hồi của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an và Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Theo quy định tại điểm h, Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết nếu tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Như vậy, trong trường hợp FLC và FLC Faros không tìm được tổ chức kiểm toán chấp nhận thực hiện kiểm toán thì cổ phiếu FLC và ROS sẽ đối diện nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 7/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết vừa ra thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại FLC, Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Theo cơ quan điều tra, nhóm của ông Quyết đã thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán gồm: FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros; ART của Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS; HAI của Công ty Cổ phần Nông dược HAI; AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC Stone và mã chứng khoán GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, cơ quan điều tra thông báo cho các nhà đầu tư (người bị hại) mua 6 mã chứng khoán trên trong khoảng thời gian ông Quyết thực hiện hành vi thao túng giá, liên hệ với cơ quan công an để giải quyết theo quy định.

Cụ thể, từ ngày 23/9/2020 đến 10/1/2022 với cổ phiếu FLC; từ ngày 1/9/2016 đến nay với cổ phiếu ROS; từ ngày 2/1/2021 đến 11/6/2021 với mã ART; từ ngày 26/6/2017 đến 9/2/2018 với cổ phiếu HAI; từ ngày 26/5/2017 đến 13/7/2017 với cổ phiếu AMD và từ ngày 19/12/2019 đến 27/11/2020 với cổ phiếu GAB.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm