Đối thủ cạnh tranh với Việt Nam có thể là Lào, Camphuchia
(Dân trí) - Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, nếu không tự đổi mới, vượt lên chính mình thì ngay cả các nước như Lào, Campuchia hay Myanmar cũng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng ta.
Đối thoại tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 diễn ra sáng nay (30/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, nếu tiếp tục duy trì môi trường đầu tư mà thủ tục rườm rà, chưa minh bạch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh.
“Ngày hôm nay, đối thủ của Việt Nam có thể là Thái Lan, ngày mai có thể là Malaysia. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam cần phải vượt lên chính mình. Nếu không tự đổi mới thì Lào, Campuchia hay Myanmar cũng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của chúng ta”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành cũng lấy dẫn chứng với trường hợp ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù được khởi xướng tại Việt Nam từ rất sớm, trong khi các nước như Trung Quốc hay Thái Lan làm rất tốt thì doanh nghiệp trong nước hầu như không có sự tiến bộ.
“Do đó, nhà đầu tư Nhật Bản đã phải “rút" sang các nước khác trong khu vực ASEAN. Hay như trường hợp Samsung, nhu cầu nội địa hoá rất cao nhưng doanh nghiệp Việt cũng chưa đáp ứng được”, ông Vinh nói.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Vinh cho hay, nếu không có biến động đặc biệt, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể vượt 6,53%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%; lạm phát dự kiến không quá 1,5-3%. Năm 2016, dự kiến mức tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,7%.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, đây là thời điểm Việt Nam phải đối mặt với nhiều biến động trên thế giới, trong đó bao gồm biến động tại Nga, nợ công châu Âu, vấn đề giá dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014 hay việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đánh giá của WTO cho hay, Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nền kinh tế đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, lạm phát thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Liên minh châu Âu hay TPP sẽ mở ra không gian thương mại rộng lớn giữa Việt Nam với các đối tác. Đồng thời, giúp môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trở nên thuận lợi và có tính cạnh tranh cao hơn trong khu vực.
“Tuy nhiên, Việt Nam nhận thức rõ những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam có thể còn làm tốt hơn”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Phương Dung