1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dệt may năm 2006:

Đối mặt nhiều khó khăn!

“Năm 2006 ngành dệt may phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi trên đấu trường lớn” - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) Lê Quốc Ân nói.

Ông Ân cho biết thêm:

- Từ năm 2006 hệ thống hạn ngạch hàng dệt may thế giới được bãi bỏ nên các nước xuất khẩu hàng dệt may là thành viên WTO có được lợi thế, trong khi VN gặp bất lợi khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ vẫn phải chịu hạn ngạch. Còn hạn ngạch thì còn nhiều khó khăn vì mọi biến động liên quan đến phân bổ hạn ngạch và sử dụng hạn ngạch đều có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của khách hàng, buộc khách hàng khi đặt hàng tại VN phải tính toán rất kỹ.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn bị động trong tìm kiếm và mở rộng thị trường. Khả năng phản ứng nhanh trước những yêu cầu thay đổi của khách hàng chưa cao, còn lúng túng trước các lô hàng nhỏ, hoặc có thời gian giao hàng ngắn. Yếu nhất phải kể đến là tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, khả năng thiết kế và chào mẫu do mình sáng tạo cũng còn rất kém. Trình độ công nghệ nhìn chung vẫn thấp hơn so với TQ và Ấn Độ.

Đối mặt nhiều khó khăn! - 1
 

Ông Lê Quốc Ân.

 

Vậy doanh nghiệp (DN) dệt may trụ lại bằng cách nào?

Chúng ta được bạn hàng đánh giá là có lợi thế về chi phí lao động, trình độ tay nghề cao, sản phẩm có chất lượng được phần lớn các khách hàng khó tính chấp nhận. Chưa kể các DN đã xây dựng được quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều nhà nhập khẩu và các khách hàng lớn.

Việc TQ tiếp tục bị EU và Hoa Kỳ khống chế hạn ngạch và việc Hoa Kỳ đã gia hạn hiệp định dệt may với VN hết năm 2006 trong đó có những thuận lợi cho VN cũng là cơ hội tốt để các DN tăng cường xuất khẩu trong khi VN chưa gia nhập WTO. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, DN dệt may cũng cần khai thác thị trường nội địa.

Dự kiến năm 2006, kim ngạch dệt may chỉ tăng 11% so với năm trước, ước khoảng 5,5 tỉ USD (năm 2005 xuất khẩu  toàn ngành đạt khoảng 4,85 tỉ USD). Các doanh nghiệp sẽ khai thác thị trường phi hạn ngạch để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Nhưng còn việc chuẩn bị gia nhập WTO?

Các DN cần đẩy mạnh hợp tác hóa và chuyên môn hóa trong chuỗi liên kết giá trị. Cố gắng sản xuất được những sản phẩm có chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có đủ năng lực. Cũng không nên lơi lỏng việc hợp tác và đẩy mạnh chuỗi liên kết giá trị, xâm nhập và khẳng định vị trí trong hệ thống phân phối quốc tế. Nó quan trọng chẳng kém việc phát triển mạng lưới bán lẻ trong nước.

Phải nói DN dệt may vẫn chưa có được sự hợp tác chặt chẽ và chuẩn bị chu đáo cho việc bỏ hạn ngạch. Chúng ta phải tính đến nhiều thứ, kể cả phải cạnh tranh với việc thu hút lao động của các ngành khác trong quá trình hội nhập.

Trước mắt, theo ông, cần làm gì để giảm thiểu những ảnh hưởng của việc duy trì hạn ngạch?

Công tác phân bổ hạn ngạch năm 2006 có nhiều tiến bộ như đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính; được tự do vay, chuyển nhượng nhờ đó DN linh hoạt trong việc ký kết và triển khai đơn hàng. Đặc biệt việc cấp visa tự động đã tạo cơ hội cho DN được tiếp cận và tối ưu hóa việc sử dụng hạn ngạch. Nhưng ban điều hành dệt may cần tiếp tục cải cách, chẳng hạn như qui trình giao nhận công văn hiện nay còn khá máy móc. Kế hoạch phân bổ hạn ngạch cũng cần được triển khai một cách nhất quán và khẩn trương, đồng thời đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xử lý kiến nghị của DN.

 

Theo Tuổi Trẻ